Điều 138, Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Nộp phạt vi phạm giao thông, lấy phương tiện bị tạm giữ về là một giao dịch dân sự bình thường, vì vậy, người vi phạm hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm, lấy phương tiện bị tạm giữ.
Khi làm văn bản ủy quyền phải có dấu xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Trong văn bản ủy quyền cần ghi rõ số căn cước công dân của người ủy quyền và người nhận ủy quyền.
Khi thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông, lấy phương tiện bị tạm giữ trong trường hợp ủy quyền, người được ủy quyền cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi người ủy quyền cư trú hoặc phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
- Biên bản xử phạt vi phạm giao thông; Bản sao chứng thực căn cước công dân của người vi phạm; Bản chính căn cước công dân của người được ủy quyền.
Hình ảnh CSGT lập biên bản vi phạm giao thông. Ảnh minh họa
Cũng theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:
Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt.
Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Về thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính, tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021 quy định:
Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp. Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm giao thông có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định trả lại bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.