Triều Tiên cho biết do ngân hàng chính của nước này đang đối mặt với các lệnh trừng phạt nên chính quyền Bình Nhưỡng không thể đóng góp ngân sách cho Liên Hợp Quốc.
Mỹ và Liên Hợp Quốc trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng "khó có thể thực hiện nghĩa vụ là một thành viên Liên Hợp Quốc, gây trở ngại đối với các hoạt động bình thường như nộp ngân sách cho Liên Hợp Quốc", Reuters dẫn thông báo từ phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc trong ngày 9/2.
“Điều đó cho thấy các lệnh trừng phạt tàn bạo và thiếu văn minh như thế nào”, thông báo của phái đoàn Triều Tiên nhấn mạnh.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song Nam. Ảnh: Kyodo |
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam ngày 9/2 đã gặp Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jan Beagle, đề nghị Liên Hợp Quốc giúp đảm bảo một kênh giao dịch ngân hàng để Bình Nhưỡng có thể trả số tiền gần 184.000 USD cho ngân sách năm 2018 của tổ chức.
Theo thông báo của phái đoàn Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng không thể chi trả số tiền nộp cho ngân sách Liên Hợp Quốc, lỗi rõ ràng thuộc về Mỹ và các nước “theo đuôi” Washington.
Trước đó, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên từ năm 2013 trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liệt ngân hàng này vào danh sách trừng phạt từ tháng 8/2017. Ngoại trừ khoản nợ năm 2018, Triều Tiên cho biết nước này cho đến nay đã hoàn thành mọi nghĩa vụ đóng góp cho Liên Hợp Quốc.
Theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nước nợ một khoản tiền tương đương hoặc lớn hơn phần đóng góp của họ trong 2 năm trước đó có thể sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc - tổ chức gồm 193 quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, Đại hội đồng có thể xem xét trường hợp ngoại lệ nếu một quốc gia chứng minh rằng các điều kiện ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của họ đã dẫn đến việc họ không thể trả nợ.
Nhân Văn (T/h)