Hiện vẫn tồn tại trên khắp thế giới nhiều khối đá chất chứa những bí ẩn chưa có lời đáp và Al Naslaa - khối đá tự nhiên tọa lạc tại ốc đảo Tayma, Ả Rập Saudi - là một ví dụ điển hình.
Khối đá sa thạch này được nhà khảo cổ học người Mỹ phát hiện vào thế kỷ 19. Điểm đặc biệt là nó tách làm hai nửa với một đường cắt cực kỳ sắc nét, dù qua hàng vạn năm vẫn vững vàng trên phần chân đế nhỏ xíu. Mỗi nửa khối đá có chiều cao khoảng 9 mét, chiều rộng 7,5 mét, nặng hàng trăm tấn, và cùng đứng cân bằng trên tảng đá nhỏ hơn bên dưới.
Theo IFL Science, các chuyên gia tin rằng Al Naslaa hoàn toàn do tự nhiên tạo ra. Được nâng đỡ bởi hai bệ đá, khối sa thạch cao 6 mét này trông như đang “lơ lửng” ở trạng thái cân bằng đáng kinh ngạc. Không dễ để hình dung hiện tượng này chỉ là ngẫu nhiên, nhưng phần lớn giả thuyết khoa học đều cho rằng đó là kết quả của quá trình phong hóa.
Al Naslaa được nhà khảo cổ học người Mỹ phát hiện vào thế kỷ 19.
Nằm trên bán đảo Tayma ở Ả Rập Saudi, Al Naslaa còn được đánh giá là một trong những mẫu khắc đá đẹp nhất thế giới. Các họa tiết khắc trên bề mặt khối cự thạch bao gồm hình ngựa Arab, dê núi Alps và cả con người. Nhà nghiên cứu cho biết niên đại khắc lên đá hiện chưa rõ ràng, nhưng bản thân khối đá có tuổi đời hơn 4.000 năm.
Điều làm Al Naslaa nổi tiếng là vết cắt chia đôi khối đá với bề mặt phẳng gần như tuyệt đối và hai bên tách đều nhau đến từng milimet, trông như được “gia công” bằng công nghệ laser. Tuy nhiên, công nghệ laser mà chúng ta biết chỉ xuất hiện từ thập niên 1960 của thế kỷ 20.
Nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải đường cắt bí ẩn này. Một trong số đó cho rằng Al Naslaa nằm trên một đường đứt gãy nên khi nền đất dịch chuyển, tảng đá nứt vỡ tại điểm yếu nhất. Tiếp đó, khe nứt hình thành như “đường hầm” cho gió và cát xâm nhập suốt hàng nghìn năm, dần dần mài nhẵn bề mặt chia cắt.
Một ý kiến khác nhận định vết nứt có thể là thớ nứt tự nhiên trong lòng đá, không do xê dịch địa chất. Vết nứt dạng này có thể tách các tảng đá theo đường thẳng lạ lùng như ta thấy ở Al Naslaa.
Khe nứt hình thành như “đường hầm” cho gió và cát xâm nhập suốt hàng nghìn năm.
Nhà nghiên cứu Cherry Lewis thuộc Đại học Bristol (Anh) cho biết, hiện tượng cắt đôi “ngọt” như vậy hoàn toàn có thể do thiên nhiên. Hàng nghìn đến hàng triệu năm trước, nước len vào vết nứt rất nhỏ trong đá. Khi nhiệt độ hạ thấp, nước đóng băng và giãn nở, khiến vết nứt càng mở rộng. Băng tan rồi nước lại chảy sâu hơn, quá trình cứ lặp đi lặp lại, cộng thêm gió sa mạc xói mòn bề mặt. Cát bị gió thổi mạnh có thể đánh bóng và mài nhẵn những khu vực chúng đi qua.
Về phần chân đế nâng khối đá lên, hình dạng “đá nấm” này thực chất khá phổ biến ở vùng sa mạc. Chúng thường hình thành do tốc độ gió gần mặt đất cao hơn, mài mòn đá mạnh hơn ở phía dưới, hoặc do băng hà làm xói lở xung quanh để tảng đá còn lại nằm vững trên phần nền nhỏ hẹp hơn.
Vì Al Naslaa được cấu tạo từ sa thạch – một loại đá không quá bền, nên nó chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi quá trình phong hóa tự nhiên và can thiệp của con người. Có giả thuyết cho rằng nền văn minh cổ xưa đã tác động nhằm tạo nên một khối đá điêu khắc độc đáo, có thể dùng làm mốc chỉ đường, dấu tích tôn giáo hoặc đơn giản là một hình thức nghệ thuật sơ khai.