Chính quyền Ả Rập Saudi đã cho bắt giữ 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng và hàng chục cựu bộ trưởng trong chiến dịch trấn áp tham nhũng.
Tối hôm 4/11 (giờ địa phương), hoàng tử Mohammed bin Salman tuyên bố bắt giữ 11 thành viên hoàng tộc Ả Rập Saudi, sau khi vua cha Salman thành lập ủy ban chống tham nhũng. Động thái này được đánh giá là sự củng cố quyền lực quan trọng kể từ tháng 6 vừa qua khi hoàng thân Mohammed bin Nayef bị tước cơ hội trở thành quốc vương tương lai.
Hoàng tử Alwaleed bin Talal - Ảnh: Reuters. |
Trong số các thành viên bị bắt giữ, cái tên ít được chú ý nhưng cực kì quan trọng là Miteb bin Abdullah, chỉ huy lực lượng Vệ binh Quốc gia. Ông là thành viên danh giá trong hoàng tộc và cũng tràn đầy cơ hội trở thành quốc vương tương lai. Việc hạ bệ Miteb là bước đi cần thiết của hoàng tử bin Salman để xây chắc quyền lực của mình.
Hoàng tử bin Salman, 32 tuổi, con trai rất được lòng quốc vương Salman, có khả năng rất lớn sẽ kế nghiệp vua cha trong thời gian tới. Vua Salman đã già và mang nhiều bệnh tật.
Với báo chí phương Tây, vụ bắt giữ 11 thành viên hoàng tộc, đặc biệt là hoàng tử dân chơi Alwaleed bin Talal, thu hút sự chú ý hơn cả. Ông bin Talal rất nổi tiếng vì thú tiêu tiền của mình. Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, việc bắt giữ ông bin Talal không phải là quyết định nhất thời. Đằng sau đó là một mục đích khác quan trọng hơn.
Gần đây, hoàng tử bin Salman từng khiến khán giả rất bất ngờ với kế hoạch “Davos trên sa mạc” trong hội nghị tài chính diễn ra vài tuần trước. Ông tuyên bố sẽ biến Ả Rập Saudi thành “một quốc gia Hồi giáo ôn hòa”. Sắc lệnh hoàng gia hồi tháng 9 vừa qua, cho phép phụ nữ lái xe là một trong số những động thái quan trọng. Dù Hội đồng Học giả Cao cấp bày tỏ sự dè dặt nhưng họ vẫn ủng hộ quyết định của hoàng tử bin Salman. Dù Ả Rập Saudi rất giàu có, nhưng việc phụ nữ tự chủ các công việc thường ngày như lái xe, đi dạo người đường một mình, là điều trước đây bị xem là cấm kị.
Hai quan chức cấp cao Ả Rập Saudi tiết lộ rằng trong số những người sa lưới pháp luật có Hoàng tử Alwaleed bin Talal - một trong những doanh nhân, tỉ phú nổi tiếng nhất của Ả Rập Saudi và là nhà đầu tư của các công ty tên tuổi như Citigroup, Twitter, Apple.
Ngoài ra, Hoàng tử Miteb bin Abdullah, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh quốc gia, bị bắt và thay thế bởi Hoàng tử Khaled bin Ayyaf. Động thái này được cho là trao thêm quyền kiểm soát các cơ quan an ninh cho Thái tử Mohammed.
Hàng loạt vụ bắt giữ nói trên diễn ra sau khi Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud ra lệnh thành lập ủy ban chống tham nhũng mới do con trai là Thái tử Mohammed đứng đầu.
Ủy ban mới này được trao nhiều quyền lực trong việc điều tra, ra lệnh bắt giữ, hạn chế đi lại và đóng băng tài sản. Sắc lệnh hoàng gia nhấn mạnh Ả Rập Saudi sẽ không thể tồn tại nếu nạn tham nhũng không bị diệt trừ tận gốc và những kẻ tham nhũng phải chịu trách nhiệm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng "cuộc thanh trừng" nói trên không chỉ nhằm chống tham nhũng mà còn loại bỏ bất kỳ sự chống đối tiềm tàng nào đối với Thái tử Mohammed trong bối cảnh ông đang thúc đẩy một chương trình cải cách đầy tham vọng và gây tranh cãi. Một chuyên gia giấu tên tại một ngân hàng lớn ở vùng Vịnh nói với Reuters rằng không ai ở Ả Rập Saudi tin rằng tham nhũng là nguyên nhân gốc rễ của vụ thanh trừng.
Hằng Thanh (T/h)