Vào một chiều buồn cuối năm 1932, bầu trời Paris ảm đạm, mưa nặng hạt và lạnh lẽo. Nhạc sĩ dương cầm Rezso Seress ngồi chơi đàn dương cầm bên cửa sổ. Một giai điệu chợt xuất hiện trong đầu ông và nửa tiếng đồng hồ sau, bài hát Szomorú Vasárnap (phiên bản tiếng Anh là Gloomy Sunday - Chủ nhật buồn) đã ra đời.
Bài hát của Seress nói về tâm trạng đau khổ của một người thất tình “ngồi một mình, nghe hơi mưa”, với “đợi chờ không nguôi ngoai” và cuối cùng là “chủ nhật nào, tôi im hơi... đến với tôi thì muộn rồi”.
Phần đầu của bài hát "Chủ nhật buồn'
Bài hát ban đầu bị các hãng thu băng từ chối vì “nhạc và lời quá buồn thảm”. Phải mất vài tháng trời, Seress mới tìm được một hãng băng đĩa nhận lời mua nó và phát hành tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Cuối năm 1935, báo chí Hungary bắt đầu loan tin rằng đã có nhiều người tự tử chỉ vì bản nhạc nói trên, rồi báo chí ở các nước Thụy Sĩ, Ý, Pháp, Ðức... cũng rộ lên việc có quá nhiều người tự sát sau khi hát hoặc nghe “bản nhạc của tử thần”, và có tới 15 quốc gia đâm đơn kiện Seress vì những cái chết liên quan đến bài hát này.
Tại New York, một cô thư ký xinh đẹp tự tử bằng khí gas trong căn hộ chung cư của mình. Kiểm tra hiện trường, người ta tìm thấy mẩu giấy nhỏ ghi lại tâm nguyện cuối đời của cô: Mong muốn được chơi bản nhạc Gloomy Sunday trong lễ tang.
Kỳ lạ hơn, tại Italy, một cậu bé đang đi trên đường bỗng gặp một người đàn ông đang chơi bản nhạc Gloomy Sunday. Cậu dừng lại, dốc sạch tiền trong túi ra cho người ăn xin đó, rồi chẳng nói chẳng rằng đi tới một cây cầu, nhảy xuống sông tự tử.
Ca khúc tạo thành cái “mốt... tự tử” ở khắp châu Âu đến nỗi Seress cảm thán: “Giờ người ta nghĩ đến tôi như kẻ đào mồ với chiếc xẻng trong tay”...
Cơn sốt Chủ nhật buồn lên đến đỉnh điểm vào năm 1936. Bất chấp lệnh cấm, bản copy bài hát được bày bán khắp nơi ngay trên hè phố Paris. Những lời đồn đại làm cho nhiều ban nhạc và ca sĩ không dám hát bài “chết chóc” này. Sau đó, nhạc sĩ Seress đã cố gắng thu hồi bài hát của mình nhưng không thành công.
Nhạc sĩ Seress và vợ Helénke.
Đầu thập niên 40 của Thế chiến 2, Seress bị lính Đức Quốc xã bắt vào trại tập trung (vì là người gốc Do Thái). Ông bị tù 4 năm, đến lúc đưa ra hành quyết thì viên sĩ quan Đức phát hiện ra ông là tác giả của Chủ nhật buồn nên tha chết (đây cũng là lần duy nhất ông xa thủ đô nước Hung).
Sau chiến tranh Seress lại trở về Budapest, ông quay lại với những khán thính giả nghèo khó, trung thành của mình trong quán rượu Kispipa, và chính ông cũng sống cuộc đời nghèo khó thiếu thốn đủ đường.
Một hôm, có một nhân viên của IRWING Trust Bank từ New York sang tìm gặp và thông báo với ông: họ đã giữ cho ông một tài khoản 370 ngàn USD, tiền bản quyền tác phẩm. Chỉ cần đích thân ông sang Mỹ nhận tiền, vì Hungary là nước thua trận phải bồi thường cho phe đồng minh, họ không thể chuyển tiền sang cho ông.
Nhân viên này còn chuyển lời mời của Oscar Peterson, sang dự buổi hòa nhạc đầu tiên của ông với dàn nhạc giao hưởng ở Carnegie Hall, New York. Chỉ cần sau bản “Gloomy Sunday” ông cùng nghệ sỹ dương cầm nhạc Jazz danh tiếng này ra chào khán giả.
Ông đã nhiều lần được mời sang nước ngoài, mời ký những hợp đồng béo bở, song Seress không đi, ông nói ông sợ đi máy bay, đứng trên ban công ông còn chóng mặt. Hơn nữa ông đã mơ thấy định mệnh của mình, ông sẽ chết do rơi từ trên cao. Ngay cả đi trên cầu ông cũng sợ, có tới cả chục năm ông không qua sông sang Buda, nửa bên kia của thành phố Budapest.
Và số phận thật trớ trêu, một ngày tháng Giêng năm 1968, mệt mỏi vì bệnh tật và cô đơn sau cái chết của vợ, rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài, ông đã ra ban công căn hộ trên tầng 4, nhảy xuống đường tự tử.
Mộc Miên (T/h)