Những con số đáng báo động
Nhắc tới thừa cân béo phì có lẽ nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy lo lắng vì hiện nay tỷ lệ béo phì ở trẻ em đang ở mức báo động, nhất là sau thời gian giãn cách do dịch.
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2018 – 2020, lứa tuổi 5 – 19 có tỷ lệ thừa cân, béo phì là 19%, trong khi đó tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ là 14,8%. Số lượng trẻ em dư thừa cân nặng tại Việt Nam đã tăng gấp 2 lần trong 10 năm.
Cụ thể, 26,8% trẻ em sống tại thành thị bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này ở trẻ em nông thôn và miền núi lần lượt là 18,3% và 6,9%. Những số liệu này là minh chứng rõ ràng nhất để cảnh báo tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em ngày càng phổ biến và nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn tới thừa cân béo phì ở trẻ
Cân nặng và chiều cao hợp lý mới là mục tiêu phát triển thể chất mà bạn cần hướng tới cho con trẻ.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp Luật, Bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp, công tác tại khoa Nhi, bệnh viện Saint Paul cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị thừa cân béo phì, trong đó phổ biến nhất là do yếu tố môi trường sống, gen di truyền. Trong đó, yếu tố môi trường sống bao gồm chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra thừa cân béo phì.
Trẻ em thường thích đồ ngọt, quà vặt, thức uống có ga, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồng thời ít ăn rau quả, trái cây. Những thực phẩm này không chỉ ảnh hưởng tới cân nặng mà còn tác động xấu tới hệ tiêu hóa và răng miệng của trẻ. Khi năng lượng nạp vào lớn hơn năng lượng tiêu hao, phần dư thừa đó sẽ được chuyển hoá thành mỡ tích tụ trong cơ thể”.
Ngoài ra, nhiều bố mẹ ở thành phố bận rộn, không có thời gian dẫn các bé ra ngoài để vận động, tập thể dục. Hoặc gia đình sinh sống ở nơi không có không gian vui chơi thoải mái khiến các bé bị thu hút bởi các chương trình trên TV, điện thoại nên chỉ ngồi lỳ trước màn hình.
Mỗi ngày trẻ không được hoạt động, vui chơi, chạy nhảy thì năng lượng nạp vào cơ thể không được tiêu hao, từ đó gây ra thừa cân béo phì ở trẻ.
Tuy nhiên, khoảng 20% trẻ thừa cân, béo phì do nguyên nhân bệnh lý. Ví dụ u não, tổn thương não bộ sau phẫu thuật, chấn thương sọ não, các bệnh lý nội tiết (suy giáp, cường vỏ thượng thận, thiếu hormone tăng trưởng…) hoặc do sử dụng thuốc kéo dài (corticoid, depakin).
Hậu quả của béo phì với sức khỏe và cuộc sống của trẻ
Trẻ béo phì thường cảm thấy bản thân không nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp, sự khỏe mạnh của trẻ không đơn thuần tỷ lệ thuận với cân nặng. Thừa cân, béo phì khiến trẻ phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm ở hiện tại và trong tương lai như đái tháo đường type II, bệnh lý mạch vành, rối loạn lipid máu, bệnh lý gan, …
“Bệnh lý tim mạch và rối loạn chuyển hóa: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đái tháo đường... Nguy cơ suy tim sẽ tăng thêm 5% ở nam giới và 7% ở nữ giới khi chỉ số BMI tăng lên 1 đơn vị.
Các vấn đề về hô hấp: hen phế quản, ngưng thở khi ngủ... Béo phì khởi phát bệnh lý hen phế quản sớm hơn ở trẻ nhỏ đồng thời góp phần tăng 5 lần số đợt khó thở kịch phát khiến trẻ phải nhập viện.
Ngoài ra Bệnh lý béo phì cũng làm tăng áp lực lên khung xương khiến cho cơ thể trở nên nặng nề và làm cho các bạn dễ mắc các bệnh lý xương hay các bệnh lý thoái hóa do tải trọng lớn mà khung xương phải chịu”, bác sĩ Hiệp cho biết.
Các bằng chứng ngày càng cho thấy mối liên quan giữa béo phì ở trẻ em và bệnh tim mạch cũng như các biến chứng tim mạch cấp tính khi trưởng thành. Tiến trình “thông thường” của xơ vữa động mạch đã bị thay đổi và “thúc đẩy” hình thành mảng xơ vữa sớm hơn, nghĩa là bình thường khoảng 50 tuổi mới bắt đầu xuất hiện các mảng xơ vữa trong động mạch, nhưng những trẻ bị rối loạn mỡ máu từ nhỏ thì sẽ sớm bị xơ vữa động mạch hơn bình thường, từ khoảng 10 tuổi.
Béo phì “dễ mắc nhưng khó chữa về mặt tâm lý”
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh bày tỏ: “Đây là một căn bệnh dễ mắc nhưng rất khó chữa. Bên cạnh vấn đề về thể chất, cuộc sống của trẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý. Nên trẻ thừa cân, béo phì thường bị các bạn trong lớp trêu chọc, bắt nạt, rất dễ trở thành đối bị tổn thương ở trường lớp”.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh dư thừa cân nặng khiến trẻ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm lý nặng nề như lo âu, trầm cảm. 36,4% trẻ em béo phì bị. Con số này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên nói chung (5 – 8%) và trẻ em trước tuổi dậy thì (2%).
Ngoài ra, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho biết: “Tôi đã từng tham vấn một ca bệnh về tình trạng này. Bạn này mới học cấp 2, khi mà nhận quá nhiều thông tin tiêu cực từ mọi phía, bạn trở tự ti và cảm thấy mình thua kém trong khi nhiều người tài giỏi hơn mình và bạn đã uống thuốc tự tử”.
Trẻ béo phì thường cảm thấy bản thân không nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa. Kèm theo những lời chọc ghẹo, chế giễu từ bạn bè, trẻ dễ bị tự ti dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn. Kết quả học tập của trẻ thừa cân, béo phì cũng kém hơn bạn bè.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, thừa cân béo phì cũng có thể khiến trẻ bị chứng rối loạn ăn uống khi trưởng thành.
Như vậy béo phì, thừa cân ở trẻ chỉ là mặt nổi của tảng băng chìm, khi chúng mang theo những tác động tiêu cực, cả về mặt sức khỏe và tâm lý. Nó sẽ hủy hoại tới cuộc sống của trẻ sau này, mập mạp chưa hẳn đã tốt, bồi bổ thật nhiều món ngon cho trẻ chưa chắc đã có lợi. Cân nặng và chiều cao hợp lý mới là mục tiêu phát triển thể chất mà bạn cần hướng tới cho con trẻ.
Nông Thảo Ly