(ĐSPL) - Bệnh viện E vừa can thiệp cứu thành công một bệnh nhân bị súng hoa cải bắn vào mặt.
Thông tin từ Bệnh viện E, ngày 4/12/2016, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E tiếp nhận một nam thanh niên (25 tuổi, ở Phổ Yên, Thái Nguyên) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, trên 1/2 vùng mặt trên bên phải thuốc súng ám đen, nhãn cầu lòi ra ngoài, mất chức năng. Vết thương gây rách mi trên nham nhở.
Ngay lập tức, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp X-quang và CT sọ não. Kết quả cho thấy, có rất nhiều dị vật cản quảng ở mi mắt và hốc mắc phải và trong não của bệnh nhân. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa: sọ não và mắt. Căn cứ vào kết quả CT sọ não, các bác sĩ quyết định chưa có chỉ định can thiệp ngoại khoa sọ não. Về phần mắt, các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu.
Bệnh viện E vừa can thiệp cứu thành công một bệnh nhân bị súng hoa cải bắn vào mặt. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo – Khoa Mắt, Bệnh viện E đã tiến hành thăm dò vết thương thấy, bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu mắt phải rộng, đứt dây thần kinh thị giác. Thành ngoài hốc mắt bị vỡ xương phức tạp. Các bác sĩ phải cắt bỏ nhãn cầu phải của bệnh nhân.
Tại hốc mắt bên phải, các bác sĩ lấy được một dị vật là mảnh đạn hoa cải có đường kính 3x3mm. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thăm dò vết thương mi trên mắt bên phải lấy được 10 dị vật có kích cỡ to nhỏ không rõ hình dạng. Các bác sĩ đã phải cắt lọc tổ chức hoại tử, làm sạch và khâu lại vết thương cho bệnh nhân. Ca can thiệp này kéo dài gần 2 giờ.
Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục, tỉnh táo, vết thương mắt khô sạch. Tình trạng mắt trái vẫn có thể nhìn nhận vật thể rõ.
Được biết, nam thanh niên này gặp tai nạn sau khi đi ăn cưới về nhà vào tối ngày 3/12. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân.
Điều 230, Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) có quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như sau: “1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức; b) Vật phạm pháp có số lượng lớn; c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới; d) Gây hậu qủa nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”. Mà theo khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVGH12 có ghi nhận về vũ khí quân dụng gồm: “a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên,súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự; b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự; c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ; d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng”. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |