Với mong muốn san sẻ gánh nặng bệnh tật cho người nghèo nên không nhận bất cứ một chi phí gì, lương y Thích Thanh Sơn đã lập ra phòng khám dùng cái tâm, cái đức của người làm y chữa bệnh miễn phí suốt 40 năm.
Không bảng hiệu, không cò mồi, im lìm lọt thỏm trong khuôn viên của chùa Vạn Thọ (Q.1), trong suốt gần 40 năm qua phòng khám Trật Đả Cốt đã như một cứu cánh, một điểm tựa giúp rất nhiều người nghèo vượt qua cơn bạo bệnh. Dù là phòng khám nhưng người dân lại quen gọi là “bệnh viện” của người nghèo.
Người lập ra phòng khám này là hòa thượng trụ trì Thích Thanh Sơn, ngoài là tu sĩ, thầy còn là lương y chuyên khoa trật đả, bấm huyệt.
Hầu hết người đến đây là những bị thương do lao động mang vác, vận chuyển nặng nhọc, không có điều kiện về kinh tế và thời gian để điều trị lâu dài.
Ở phòng khám này, các thầy sử dụng những loại thuốc tự nghiên cứu như rau trai, nghệ… pha chế theo công thức y học dân tộc cổ truyền, kết hợp với phương pháp nắn giúp bệnh nhân hồi phục khi bị chứng bong gân, trật khớp, gãy xương ở những vị trí không quá nghiêm trọng.
Lương y Thích Thanh Sơn chữa bệnh cho người nghèo bằng cái tâm, cái đức. Ảnh Tri thức trực tuyến. |
Tất cả các lương y làm việc trong phòng khám đều được cấp bằng chữa trị y học cổ truyền, đồng thời phòng khám đã được Sở Y tế TP HCM công nhận là một địa điểm khám chữa bệnh chính thức.
Những người chữa bệnh lâu năm ở đây vẫn rỉ tai nhau câu chuyện về một chàng trai trẻ hành nghề trộm cắp, bị bắt đánh cho gãy hai xương bánh chè được các thầy ở phòng khám chữa cho lành vết thương và còn khuyên “cải tà quy chính”. “Ngày ấy, anh chàng được người ta đưa đến kể sự tình tôi nói, sẽ đồng ý chữa nhưng phải quay về con đường lương thiện” - lương y Thích Thanh Sơn kể lại.
Suốt hơn 3 tháng trời, cứ hai ngày một tuần anh chàng lại đến chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bẵng đi hơn một năm trời, các thầy không thấy anh quay lại. “Một năm sau anh chàng quay lại, vui mừng kể đã xin được việc làm công nhân tại một công ty giày da. Giờ đang thuê nhà ở Q.Tân Bình, cũng sắp lấy vợ, ai cũng mừng rỡ vì không chỉ chữa khỏi bệnh cho anh mà còn chữa lành được cả tâm thiện”.
Lương y Thích Thanh Sơn chia sẻ rằng, thầy mở phòng khám này từ năm 1980, với mong muốn ban đầu là san sẻ gánh nặng bệnh tật cho người nghèo nên không nhận bất cứ một chi phí gì. Các bài thuốc tại đây đều là những bài thuốc được các thầy tự nghiên cứu, pha chế theo công thức y học dân tộc cổ truyền kết hợp nắn bóp giúp bệnh nhân hồi phục khi mắc các bệnh đơn giản về xương khớp. “Nhiều bệnh nhân bị nặng quá, nhà lại nghèo, thầy nói cứ đến bệnh viện đi, phòng khám sẽ hỗ trợ một phần chi phí. Rồi kết hợp với đến phòng khám thầy đắp thuốc, nắn bóp cho” - thầy Thích Thanh Sơn kể.
Tồn tại gần bốn thập kỷ với bao biến cố của thời gian nhưng phòng khám vẫn hoạt động với phương châm lấy người bệnh là trên hết.
Theo lương y Diệu Hương, phòng khám hoạt động vào mỗi buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, mỗi buổi đón khoảng 70 bệnh nhân, có hôm cao điểm lên đến cả gần 200 bệnh nhân.
Ngoài các sư thầy trực tiếp khám chữa bệnh, còn có rất nhiều các tình nguyện viên là Phật tử thay phiên nhau phụ giúp công việc, giúp đỡ các bệnh nhân, không ít trong số đó là các bạn sinh viên tranh thủ sau giờ học đến đây phụ giúp sắc thuốc.
Câu chuyện về vị lương y Thích Thanh Sơn với phòng khám 40 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo khiến nhiều người cảm động về cái tâm cái đức, tấm lòng cao dày của vị trụ trì. Cuộc sống này sẽ tươi đẹp biết bao nếu mỗi người biết chung tay, chia sẻ với những người gặp khó khăn, lấy tấm lòng ấm áp sưởi ấm cho những mảnh đời cô quạnh.
Mỹ An (T/h)