Quên không báo với bác sĩ là mình đang đeo răng giả nên ông cụ đã vô tình nuốt luôn nó vào họng lúc đang gây mê làm phẫu thuật.
Sáu ngày sau khi được mổ lấy khối u lành tính khỏi khoang bụng theo quy trình gây mê tổng quát, cụ Jack, 72 tuổi ở Anh, lại xuất hiện ở phòng cấp cứu.
Bệnh nhân than phiền mình ho ra máu, khó nuốt và đau đớn đến nỗi không thể ăn thực phẩm cứng.
Vì ông có tiền sử bệnh phổi, các bác sĩ cho là bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp và kê đơn thuốc kháng sinh cùng nước súc miệng trước khi cho ông về nhà.
Tuy nhiên, 2 ngày sau, cụ Jack quay lại với triệu chứng nghiêm trọng hơn. Ông thậm chí không thể uống thuốc.
“Ông ấy cảm thấy khó thở, đặc biệt khi nằm xuống và phải ngủ đứng”, theo bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng Harriet Cunniffe thuộc Bệnh viện Đại học NHS ở Yarmouth.
Bác sĩ này nghi ngờ bệnh nhân mắc một dạng nhiễm trùng phổi và buộc ông nhập viện.
Bệnh nhân bị mắc răng giả trong cổ họng trong khi gây mê làm phẫu thuật. Ảnh: BMJ |
Đến khi nội soi, phía bệnh viện ngã ngửa khi phát hiện một vật thể hình bán nguyệt chụp xung quanh dây thanh quản của người bệnh.
“Khi đề cập chuyện này với bệnh nhân, ông giải thích rằng mình đã bị mất răng giả trong lúc phẫu thuật cách đó 8 ngày”, bác sĩ Cunniffe ghi nhận trong hồ sơ.
Sau khi lấy hàm răng giả bị mắc kẹt, mà rõ ràng bệnh nhân đã nuốt vào họng trong lúc bị gây mê, cụ Jack xuất viện 6 ngày sau đó. Tuy nhiên, ông tiếp tục phải nhập viện vài lần nữa để xử lý hậu quả gây ra chỉ vì quên báo cho bác sĩ phẫu thuật về răng giả.
Theo BMJ Case Reports, trong 15 năm qua, đã xuất hiện 83 ca “hóc răng giả” tương tự như trên. Các bệnh nhân mang răng giả được khuyến cáo nên thông báo cho phía bác sĩ trước khi phẫu thuật.
TS.BS Võ Văn Nhân, báo cáo viên quốc tế tại các hội nghị về implant nha khoa, cho hay tình trạng nuốt, hóc hàm răng giả đa phần rơi vào các bệnh nhân có hàm tháo lắp bán phần. Ngoài rơi vào đường thực quản khi ngủ, ăn uống, răng giả cũng có thể đi lạc vào đường thở khi bệnh nhân hắt hơi.
Nguyên nhân do hàm tháo lắp bán phần theo thời gian sẽ trở nên lỏng lẻo vì teo mô xương và mô nướu, đặc biệt nếu người bệnh bị mất răng tại vị trí móc răng thì hàm sẽ càng lỏng lẻo, nguy cơ “đi lạc” càng cao hơn.
Những chiếc răng giả tháo lắp dễ gây ra sự cố nuốt phải cho bệnh nhân. |
Để tránh tình trạng nuốt phải răng giả, bệnh nhân cần lưu ý hai giải pháp sau đây:
Nên lắp răng giả theo kỹ thuật mới
Hiện nay, với kỹ thuật nha khoa tiến bộ, bệnh nhân không cần làm hàm tháo lắp bán phần mà vẫn đảm bảo chức năng thẩm mỹ, nhai nuốt. Thay vào đó, bệnh nhân có thể làm cầu răng cố định giúp hàm khít sát, không rơi ra rơi vào. Hoặc bệnh nhân có thể cấy ghép trụ implant cho răng bị mất. Việc cấy ghép này không làm phá hủy răng thật và cũng đồng thời đem lại hàm cố định.
Thay mới ngay nếu hàm giả lỏng lẻo
Nếu bệnh nhân sử dụng hàm tháo lắp bán phần thì nên chọn cơ sở thiết kế phục hình răng cho vững chắc và đi tái khám định kỳ. Thông thường, các hàm tháo lắp bán phần có thời gian sử dụng 1-3 năm. Nếu thấy hàm lỏng lẻo thì nên thay hàm mới, không nên cố giữ hàm lỏng lẻo.
Minh Khôi (T/h)