Thông tin từ VTV News, bệnh nhân nữ 68 tuổi vừa được ekip trực Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên gắp dị vật ra khỏi dạ dày thành công.
Được biết, bệnh nhân vô thức nuốt chiếc vòng bằng đá có 8 hạt, kích thước 0,5 x 0,8 cm để chữa các bệnh liên quan đến họng (theo như quảng cáo khi ngậm vòng đá sẽ phát tia, có tác dụng chữa viêm họng ...), lúc tỉnh dậy mới phát hiện chiếc vòng đã bị trôi xuống họng.
Dị vật vòng đá được gắp ra ngoài. Ảnh: VTV
Bệnh nhân đã cố móc họng để nôn ra chiếc vòng nhưng không được và ngay lập tức được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Tại đây, ekip trực đã nội soi cấp cứu và gắp được chiếc vòng từ dạ dày của bệnh nhân. Sau gắp dị vật, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Chuyên gia cảnh báo
Liên quan đến câu chuyện này, theo báo Sức khỏe & Đời sống, hiện nay, nhiều người tin rằng đeo những vòng đá quý hay thiên thạch thông thường có thể giúp tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt khẳng định, không loại đá nào có khả năng chữa bệnh, thải độc, hóa giải độc tố trong đồ ăn thức uống.
Trường hợp nghiền nhiều loại đá ra rồi ép lại thành các viên đá khác nhau thì về bản chất, nó cũng chỉ là đá. Do không phải là hóa chất nên không thể có tác dụng gì trong việc tạo ra phản ứng để trung hòa hay hóa giải chất độc. Trường hợp người ta trộn hóa chất vào đá sau khi nghiền nhiều loại đá ra, thì có thể có tác dụng nào đó. Nhưng đó là tác dụng của hóa chất đó, chứ không phải đá.
Ảnh minh họa.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, không một loại đá nào có những khả năng thần kì kể trên. Có thể là do tự thêu dệt hoặc viên đá là nhân tạo. Đá không thể tự phát ra mùi thơm, tự phát sáng hay hút được nọc độc rắn. Việc trả giá hoặc rao bán hàng tỉ đồng/viên đá này là không có cơ sở.
Theo các chuyên gia, hiện nay người dân sử dụng mạng xã hội, Internet khá phổ biến, bất kỳ một loại hình dịch vụ nào bao gồm cả khám, chữa bệnh họ đều tìm trên mạng. Nắm bắt được nhu cầu này, các trang mạng giả mạo sẽ bỏ tiền chạy quảng cáo, sử dụng các nền tảng xã hội được đa số người dân sử dụng như TikTok, YouTube...
Hơn nữa, để dễ đánh lừa lòng tin của người dân, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò rất tinh vi, khiến nhiều người bệnh mắc lừa, chủ yếu là người già. Để không trở thành nạn nhân, chuyên gia khuyên bệnh nhân, muốn khám chữa bệnh phải đến bệnh viện lớn có chuyên khoa, nếu tìm đến phòng khám tư phải tìm hiểu thật kỹ về phòng khám này, bằng cấp, chứng chỉ người thăm khám.