Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bệnh K tuyến giáp của NSƯT Hoài Linh nguy hiểm như thế nào?

(DS&PL) -

Người quản lý của NSƯT Hoài Linh vừa tiết lộ, nam nghệ sĩ đã nhập viện điều trị K tuyến giáp vào tháng 10/2020.

Theo báo Tiền Phong cho biết, ngày 22/9/2020, sau khi phát hiện tuyến giáp có dấu hiệu bất thường, NSƯT Hoài Linh được người thân đưa vào bệnh viện ĐH Y dược TP. HCM thăm khám. Kết quả nghệ sĩ Hoài Linh có hạch cổ phải theo dõi thứ phát và phù nề phần mềm tại vị trí tuyến giáp.

Ngày 24/9, bác sĩ làm xét nghiệm, kết quả cho thấy, hạch cổ nhóm II của nghệ sĩ Hoài Linh bị di căn 3 hạch cổ trên 5 hạch, trong khi hạch cổ nhóm VI di căn 2 hạch trên 2 hạch. Bác sĩ chỉ định mổ cắt toàn bộ tuyến giáp.

Ngày 15/10, nghệ sĩ Hoài Linh được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp tiến hành nạo hạch cổ phải tuyến 2-3-4-5-6. Sau điều trị, sức khỏe nghệ sĩ Hoài Linh ổn định. Ngày 19/10, anh thực hiện xạ trị lần 1 và phải nằm điều trị, nghỉ ngơi 2 tuần. Đến ngày 13/4/2021, trước chuyến đi từ thiện, anh vào thuốc lần 2 và phải điều trị 2 tuần.

Liên quan tới căn bệnh của NSƯT Hoài Linh, nhiều người bày tỏ sự quan tâm. Trước khúc mắc trên, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với BS Nguyễn Xuân Hậu, khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ đã có cuộc chia sẻ chuyên môn về bệnh K tuyến giáp.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hậu chia sẻ về bệnh K tuyến giáp. (Ảnh: NVCC)

 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hậu cho biết K tuyến giáp hay còn gọi là ung thư tuyến giáp hay u tuyến giáp ác tính. Bệnh chiếm tỷ lệ 90% số bệnh nhân ung thư tuyến nội tiết và chiếm khoảng 1% các loại ung thư. K tuyến giáp hình thành khi các tế bào bị thay đổi, phân chia quá nhanh mà không chịu sự kiểm soát của cơ thể. Khi tới ngưỡng vừa đủ, chúng tạo thành những khối u có khả năng xâm lấn các mô xung quanh và di căn tới những cơ quan xa hơn trên cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hậu chia sẻ về mức độ nguy hiểm của K tuyến giáp: “Bệnh có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh ra sao. Có tới 95% bệnh nhân mắc K tuyến giáp sống ổn định với bệnh, kéo dài tuổi thọ lên đến 40 năm nữa. Đó là trường hợp u tốt. 5% còn lại là u xấu, để chuẩn đoán tình trạng bệnh, phác đồ điều trị, mức độ nguy hiểm thì bác sĩ phải thăm khám cá thể trực tiếp. Đối với trường hợp K tuyến giáp di căn, mức độ bệnh khá nguy hiểm, cần điều trị nhanh chóng, kịp thời”.

Phần lớn K tuyến giáp thường không có dấu hiệu rõ ràng, các triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với tình trạng khác. Tâm lý coi thường bệnh, chủ quan sẽ dẫn đến tình trạng khối u ác tính lớn dần và di căn, xâm lấn cơ thể.

Khi khối u ngày càng phát triển sẽ lan ra ngoài tuyến giáp đến phần hạch bạch huyết ở cổ và ngực với một số triệu chứng như: Đau rát cổ, đau khi ăn, bị khàn giọng, mất tiếng do khối u chèn ép lên dây thanh quản, sưng hạch bạch huyết, cổ xuất hiện các nốt rộp, tăng tiết nước bọt…

Sau đó, tế bào ác tính theo đường máu di căn đến cơ quan khách gây hậu quả nghiêm trọng: Đầu sưng to, vàng da, ho ra máu, tràn dịch màng phổi, trí nhớ suy giảm, mất ngủ, đau đầu, đau xương… Khi khối u lây lan rộng có thể dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ đưa ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến K tuyến giáp như: Do rối loạn hệ miễn dịch, do yếu tố di truyền, do nguyên nhân tuổi tác dẫn đến sự thay đổi hormone, do mắc các bệnh về tuyến giáp, ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc…

Ngoài ra, cách sinh hoạt thiếu lành mạnh hàng ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến bị K tuyến giáp. Việc uống nhiều rượu, ăn thực phẩm chế biến sẵn, ăn đồ nhiều dầu mỡ, lười vận động khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.

Để phòng tránh bệnh K tuyến giáp, mọi người cần thực hiện những phương pháp sau: Tránh tiếp xúc với bức xạ, hãy tự kiểm tra ung thư tuyến giáp tại nhà nếu có nghi ngờ bằng cách xem vùng cổ có xuất hiện u cục không, duy trì chế độ ăn uống ít chất béo, cân bằng lượng Idod trong cơ thể, thường xuyên luyện tập thể thao, đi ngủ đúng giờ, chủ động khám sức khỏe định kỳ…

Ứng Hà Chi

Tin nổi bật