Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, bé P.K.N. (7 tuổi, sống ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng nồng độ oxy máu (SpO2) giảm chỉ còn 93%. Dựa trên thông tin phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện dị vật chiều dài 3 cm tại vị trí carina và phế quản gốc phải.
Êkip bác sĩ quyết định nội soi găp dị vật. Ảnh: BVCC
Sau khi các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa thì đưa ra quyết định nội soi để gắp vỏ đầu bút bi ra khỏi cơ thể trẻ.
Được biết, dị vật có kích thước lớn nằm sâu trong khí phế quản, khiến đường thở bị chèn ép. Điều này khiến trẻ có nguy cơ gây suy hô hấp, các bác sĩ phải gắp rất nhanh và thận trọng.
Dị vật được lấy ra trong phế quản bé trai 7 tuổi. Ảnh: BVCC
Hậu phẫu, bệnh nhi tỉnh táo, thở đều và được xuất viện.
Theo thống kê trong 1-2 tháng trở lại đây, các bệnh viện Nhi thường xuyên tiếp nhận những trường hợp nuốt dị vật như đầu bút bi, đồ chơi, hóc hạt hướng dương…. Việc nuốt phải dị vật sẽ gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng nguy kịch ở trẻ.
Nói về tình trạng trẻ em thường xuyên nuốt dị vật, ThS. BS Phùng Đăng Việt, Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ hóc, sặc dị vật thì nên đưa đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn, theo An ninh Thủ đô.
THÙY DUNG