Theo thông tin được đăng tải, chị Lâm ở Trung Quốc mới sinh con trai đầu lòng được 7 tháng. Sau khi cả gia đình chuyển tới nhà mới, vợ chồng chị đã đón bà nội bé lên ở chung để tiện chăm sóc cháu.
Trong lúc chăm cháu, bà nội phát hiện tay của cậu bé luôn nắm chặt. Vợ chồng chị Lâm cho rằng đây là hành động bình thường của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bà nội vẫn lo lắng vì bé nắm tay quá chặt và thường xuyên. Bà nội nghĩ đó là biểu hiện bất thường và giục vợ chồng chị Lâm đưa con đi khám.
Nghe theo lời mẹ, vợ chồng chị Lâm đã đưa con trai đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết con trai chị Lâm bị bại não. Theo bác sĩ, nắm chặt tay chính là một trong những dấu hiệu của bệnh nhưng thường bị nhiều bố mẹ bỏ qua.
Bố mẹ bé trai tưởng nắm chặt tay chỉ là hành động bình thường, không ngờ lại là dấu hiệu của bệnh bại não. Ảnh minh họa
Được biết, bại não là những tổn thương não không tiến triển, xảy ra ở giai đoạn trước sinh, trong khi sinh hoặc sau sinh cho tới khi trẻ 5 tuổi. Bệnh gây ra tình trạng đa tàn tật về vận động, tinh thần, giác quan và hành vi.
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết trẻ bị bại não mà cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý:
- Trẻ đẻ ra không khóc ngay hoặc khóc yếu, tím tái.
- Trẻ bại não sau sinh thường mềm nhũn, không vận động.
- Trẻ gặp khó khăn khi ăn uống: Khó mút, bú, nuốt, nhai, hay bị sặc hoặc nghẹn. Thậm chí khi lớn lên, trẻ vẫn gặp khó khăn khi ăn uống.
- Chậm phát triển: So với bạn bè đồng trang lứa, trẻ bại não thường chậm biết giữ đầu cổ, chậm biết lẫy, chậm biết ngồi, chậm biết đi.
- Có khiếm khuyết về sử dụng bàn tay trong cầm nắm và thực hiện các hoạt động.
- Khó khăn trong chăm sóc trẻ: Cha mẹ thường thấy điều này khi bế ẵm, tắm rửa hay thay quần áo cho trẻ vì trẻ cứng đờ.
- Trẻ bại não có thể bị mềm đến nỗi đầu luôn rủ xuống hay ưỡn mạnh ra phía sau, hoặc đột nhiên trẻ trở nên cứng đờ như tấm ván.
- Sau khi sinh, trẻ thường khóc ngằn ngặt, ròng rã nhiều tháng, bị kích thích, khó chịu, một số trẻ bại não khác lại lờ đờ, ít đáp ứng.
- Trẻ bại não có thể bị điếc (khó nghe) hoặc mù (khó khăn về nhìn) bẩm sinh. Nếu không phát hiện ra, gia đình có thể cho rằng trẻ chậm phát triển tinh thần.
- Trẻ bại não có thể bị động kinh kèm theo (cơn co giật, bất tỉnh, sùi bọt mép).
- Trẻ bại não thường gặp khó khăn trong giao tiếp, không đáp ứng hoặc hành động như những đứa trẻ bình thường. Một phần do trẻ bị mềm nhẽo hoặc co cứng, thiếu các điệu bộ cử chỉ của bàn tay, hoạt động của cơ mặt. Một phần khác có thể là do trẻ chậm biết nói.
- Thay đổi hành vi liên tục: Trẻ bại não đột nhiên khóc rồi lại cười, hay sợ hãi, co giật, tức giận.
- Khả năng thăng bằng của trẻ kém.
Ngoài các dấu hiệu trên, cha mẹ cần lưu ý thêm những điều sau để con có thể phát triển khỏe mạnh:
Kiểm tra toàn diện sức khỏe cho trẻ ngay sau khi sinh
Trẻ sơ sinh vẫn có thể có những vấn đề bẩm sinh về sức khỏe. Bé chào đời thuận lợi, khóc to nhưng chưa chắc đã khỏe mạnh. Do đó, cha mẹ nên làm kiểm tra toàn diện cho trẻ ngay sau khi bé chào đời để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề gặp phải.
Cho trẻ kiểm tra sức khỏe định kỳ
Sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, bên cạnh đó trẻ cũng chưa đủ nhận thức và hiểu biết để nói với cha mẹ về vấn đề mình đang gặp phải. Vì vậy, cha mẹ lưu ý đưa trẻ đi khám định kỳ để đánh giá sức khỏe toàn diện của bé.
Đến bệnh viện thăm khám kịp thời
Ngay khi phát hiện con có biểu hiện bất thường hay sự khó chịu nào, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện khám ngay. Sự chậm trễ đôi khi có thể gây ra hậu quả đáng tiếc.
Đinh Kim (T/h)