Mới đây, bé trai Hạo Hạo (2 tuổi, sống ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) được phát hiện nhiễm vi khuẩn giang mai khi xét nghiệm máu trước ca phẫu thuật nhỏ.
Vì bệnh giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây nên, hoặc có thể lây truyền qua đường máu nên bố mẹ Hạo Hạo cãi nhau to khi biết con nhỏ nhiễm bệnh. Đáng ngạc nhiên là sau khi hai người làm xét nghiệm, kết quả đều âm tính.
Trong khi bác sỹ cũng đang bối rối không hiểu nguyên nhân, mẹ Hạo Hạo nhớ ra rằng ông bà nội thường giúp chăm sóc bé. Kết quả kiểm tra sau đó khiến mọi người sửng sốt, ông nội âm tính nhưng bà nội lại dương tính với giang mai.
Ảnh minh họa.
Bà nội Hạo Hạo không hiểu vì sao mình nhiễm bệnh và lây cho cháu bằng cách nào. Bố Hạo Hạo đoán, có thể con mình nhiễm vi khuẩn gây bệnh giang mai từ thói quen chăm sóc của bà: "Bà thường nhai nhỏ thức ăn rồi mới cho bé con ăn. Chúng tôi đã nhắc nhở bà nhiều lần nhưng thói quen của bà vẫn không thay đổi. Không biết liệu có phải vì thói quen này mà Hảo Hảo bị nhiễm bệnh không?".
Nghe vậy, bác sỹ liền khẳng định đó chính là nguyên nhân, đồng thời giải thích, dịch từ vết loét, máu, tinh dịch, nước bọt của người nhiễm đều có chứa vi khuẩn giang mai. Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục, truyền từ mẹ sang con trong quá trình thai sản và qua đường máu, chỉ trong trường hợp rất đặc biệt mới lây nhiễm gián tiếp. Nếu bà nội có thói quen nhai nhỏ thức ăn rồi bón cho cháu thì việc lây nhiễm gián tiếp cho bé hoàn toàn có thể xảy ra.
"Quá trình lây nhiễm xảy ra rất nhanh, chẳng hạn như trong quá trình nhai, nếu lợi bà chảy máu hoặc nước bọt có nhiều vi khuẩn thì sẽ nhiễm vào thức ăn rồi lây cho cháu", bác sỹ điều trị cho Hạo Hạo nói.
Sau khi được truyền thông đưa tin, câu chuyện của bé Hạo Hạo khiến dư luận xôn xao. Nhiều người nhắc nhau từ bỏ những thói quen có thể gây nguy hiểm cho trẻ như nhai mềm thức ăn rồi mới bón cho các bé.
Để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm lây truyền sang vợ hoặc chồng, hoặc lây truyền sang con, bác sĩ khuyên rằng tất cả các đôi bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, hoặc các cặp vợ chồng trước hoặc trong khi sinh con cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm các bệnh xã hội như sau:
- Nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn một vợ - một chồng.
- Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân để sàng lọc các bệnh xã hội lây truyền, việc làm này đặc biệt cần thiết và nên làm với các cặp đôi chuẩn bị kết hôn để sau kết hôn tránh nghi ngờ nhau do ai mắc bệnh để giữ gìn hạnh phúc gia đình, cũng như bảo đảm an toàn khi sinh con.
- Trước hoặc trong khi mang thai cần đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm sàng lọc các tác nhân lây truyền qua đường tình dục cho cả vợ và chồng. Theo đó, mẹ bầu cần thiết thực hiện các xét nghiệm kiểm tra gồm: Xét nghiệm máu/ nước tiểu, xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi, siêu âm thai.
Đồng thời, mẹ bầu cũng nên làm xét nghiệm kiểm tra, sàng lọc bệnh truyền nhiễm từ mẹ sang con qua các xét nghiệm rubella, viêm gan B/C, HIV, xét nghiệm các bệnh nhiễm lây truyền qua đường tình dục (bệnh giang mai, Chlamydia) để phát hiện bệnh sớm, ngay cả những mẹ bầu sinh con đầu khỏe mạnh hoặc không có dấu hiệu cũng không chủ quan, vì đa số các bệnh lây nhiễm diễn biến thầm lặng.
- Nếu thấy có triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục như vết loét, vết sùi, mụn nước mọc bất thường ở vùng sinh dục, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương pháp điều trị hoặc điều trị dự phòng thích hợp, tránh lây truyền và để lại hậu quả khôn lường sang con. Từ kết quả khám, bác sĩ sẽ tư vấn cách phòng, điều trị nếu có hoặc tư vấn phương pháp sinh con phù hợp và an toàn nhất.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh lây nhiễm nên thực hiện sinh hoạt an toàn, lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Để tránh lây nhiễm giang mai, mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với máu, hoặc đồ dùng cá nhân của người bệnh.