Theo thông báo của UBND phường Bình Minh, vào 23h30 ngày 23/7, UBND phường nhận thông tin người dân báo phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi ven đường vào đền Đôi Cô Cam Đường thuộc phường Bình Minh.
Bé gái này nặng 2,5kg, được đặt trong chiếc giỏ màu đỏ, trên người quấn một chiếc chăn màu đỏ và một chiếc chăn màu vàng.
Cháu bé đang được UBND phường Bình Minh tạm giao cho gia đình ông Đặng Văn Bằng và bà Đặng Thị Nga (ở huyện Bảo Yên) chăm sóc.
Hiện nay chưa xác định được cha mẹ cháu bé. UBND phường yêu cầu ai là cha mẹ đẻ của cháu tới UBND phường Bình Minh làm thủ tục nhận lại con.
Đường vào cổng đền Đôi Cô Cam Đường (Lào Cai) nơi cháu bé bị bỏ rơi đêm ngày 23/7. Ảnh minh họa
Trong thời hạn 7 ngày nếu không có thông tin về cha mẹ đẻ cháu bé, phường sẽ làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé theo quy định và giải quyết nhu cầu nhận con nuôi.
XEM THÊM: Vụ bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trước cổng Tuệ Tĩnh Đường: Diễn biến mới nhất
Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người phát hiện phải bảo vệ đứa trẻ đồng thời báo ngay cho UBND phường, xã, thị trấn (gọi tắt là UBND xã), nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản. Sau đó, UBND xã sẽ tổ chức nuôi dưỡng trẻ và thông báo tìm thân nhân trẻ bị bỏ rơi. Nếu thân nhân không đến nhận, UBND xã sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh, tìm nơi nuôi dưỡng trẻ.
Trong trường hợp cùng lúc có nhiều người đến UBND xã xin nhận nuôi trẻ, UBND xã sẽ xem xét điều kiện của những người nhận nuôi.
Theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.
Nếu cùng lúc có nhiều người đủ điều kiện nhận nuôi và có mong muốn được nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, UBND xã sẽ xem xét theo thứ tự ưu tiên, ai có thứ tự xếp trước thì được ưu tiên nhận nuôi trẻ.
Theo Điều 5 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế để nhận nuôi trẻ là: hàng thứ nhất là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; hàng thứ hai là công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; hàng thứ ba là người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; hàng thứ tư là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; hàng thứ năm là người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Trong trường hợp nhiều người đủ điều kiện nhận nuôi và cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì UBND xã xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.
Việt Hương (T/h)