Theo thông tin từ VTC News, cô Grace Davidson, 36 tuổi, ở Anh hạ sinh thành công sau khi được cấy ghép tử cung từ chị gái của cô. Cô quyết định đặt tên con là Amy Isabel để nhớ ơn dì của cô và một bác sĩ tham gia vào ca phẫu thuật cấy ghép.
Amy là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra ở Vương quốc Anh nhờ quy trình đột phá này.
Bé Amy được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai chủ động vào ngày 27/2 tại Bệnh viện Queen Charlotte ở London, Anh. Cô bé chào đời khỏe mạnh, nặng 2,04kg, là biểu tượng sống động cho kỳ tích y học và tình thân cao cả.
"Thật khó tin là con bé đã thực sự ở đây với chúng tôi", Grace xúc động chia sẻ với The Times. "Chúng tôi đã nhận được món quà quý giá nhất mà cuộc đời trao tặng."
Anh Angus, bố của bé gái bày tỏ: "Khoảnh khắc nhìn thấy con bé, chúng tôi chỉ biết òa khóc. Một cảm xúc không thể diễn tả. Căn phòng khi ấy tràn ngập tình yêu, niềm vui và những con người đã góp phần tạo nên kỳ tích này".
Bé Amy được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai chủ động tại Bệnh viện Queen Charlotte ở London, Anh. Ảnh: New York Post.
Được biết, Grace sinh ra mắc phải hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH), một tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng 1 trong mỗi 5.000 phụ nữ. Hội chứng này khiến phụ nữ sinh ra có tử cung chưa hoàn thiện hoặc thậm chí không có tử cung.
Tuy nhiên, buồng trứng của họ vẫn nguyên vẹn và hoạt động bình thường để sản xuất trứng và hormone nữ. Điều này khiến họ vẫn có thể có con, nhưng cần biện pháp can thiệp.
Trước khi được cấy ghép tử cung, cô Grace và chồng đã thực hiện biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm để tạo ra bảy phôi. Những phôi này được đông lạnh để làm thụ tinh trong ống nghiệm tại London.
Sau đó, cô Grace thực hiện ca phẫu thuật vào tháng 2/2023. Cô được cấy ghép tử cung từ chị gái của mình, Amy Purdie, 42 tuổi, một cựu giáo viên tiểu học, mẹ của hai cô con gái 10 và 6 tuổi. Vài tháng sau, sau khi được ghép tử cung, cô Grace được chuyển phôi và thụ thai thành công.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam, giáo sư Richard Smith, bác sĩ phẫu thuật phụ khoa nổi tiếng và cũng là nhà sáng lập tổ chức từ thiện Womb Transplant UK - nơi tài trợ cho ca phẫu thuật này, cho biết: "Chứng kiến em bé chào đời, tôi không thể kìm được nước mắt. Đây là thành quả của 25 năm nỗ lực nghiên cứu về cấy ghép tử cung - gần như tâm huyết cả sự nghiệp của tôi đã đặt vào nghiên cứu này."
Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS) đã chúc mừng và gọi đây là "em bé kỳ diệu", đồng thời kỳ vọng dấu mốc này sẽ mở ra hy vọng làm mẹ cho hàng ngàn phụ nữ khác trên thế giới.
Trên thế giới hiện nay đã có hơn 100 ca ghép tử cung được thực hiện với ít nhất 50 bé chào đời sau khi mẹ cấy ghép thành công. Ca sinh con thành công đầu tiên trên thế giới sau cấy ghép diễn ra tại Thụy Điển năm 2014 khi bé Vincent chào đời.