Báo Thừa Thiên Huế đưa tin, chiều 14/3, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết đang tiếp nhận điều trị một bệnh nhi bị chó cắn nghiêm trọng phải khâu 50 mũi, trong đó có nhiều vết thương ở mặt.
Được biết, bệnh nhi tên N.T.Q.N. 5 tuổi ở Lệ Thủy, Quảng Bình.
Chị Nguyễn T.G.- mẹ bé kể trước đó, bé qua nhà hàng xóm chơi, trong lúc nô đùa với chó con, N. bị chó mẹ lao vào cắn để lại nhiều vết thương nghiêm trọng trên cơ thể, riêng vùng mặt có nhiều vết thương sâu. Người nhà đã rửa vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, băng vết thương, cầm máu và đưa trẻ vào Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Bé gái phải khâu gần 50 mũi. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế
Tại bệnh viện, Q.N. được xử lý, khâu vết thương gần 50 mũi và tiêm phòng huyết thanh uốn ván. Tiếp đó, trẻ được đưa vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại.
Theo một bác sĩ ở CDC, trường hợp các vết thương do chó cắn ở vùng mặt khá phức tạp; đây là vùng nguy hiểm gần thần kinh trung ương, virus dễ xâm nhập vào não gây viêm não tủy cấp tính. Vì vậy, khi bị chó cắn, người nhà nên xử lý vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy/dùng dung dịch sát khuẩn, đưa ngay người bệnh vào cơ sở y tế xử lý vết thương để được tư vấn tiêm ngay huyết thanh kháng dại, vaccine dại.
Hiện tại sức khỏe cháu bé đã ổn định, đang theo dõi tại bệnh viện Trung ương cơ sở 2 về vạt da bị thương rộng và sâu có bị hoại tử ở mép vết khâu hay không do vết thương bị rách rộng. Bệnh nhi cũng sẽ tiếp tục được tiêm các mũi vaccine dại tiếp đến theo phác đồ điều trị.
Tử vong do bệnh dại tăng, Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch
Theo thông tin trên báo Vnexpress đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết bệnh dại có xu hướng gia tăng. Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số người chết do dại cao như Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7, Bình Phước 7, Điện Biên 6, Bến Tre 5, Đắk Lắk và Bình Thuận 4.
Đặc biệt, các ca bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là nạn nhân không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Cùng đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt 10%.
Ngoài ra, truyền thông phòng, chống bệnh dại vẫn còn hạn chế dẫn đến tình trạng chủ quan lơ là, khiến người dân không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại kịp thời sau khi bị động vật nghi dại cắn hoặc tự chữa trị bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì vậy, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang. Truyền thông, hướng dẫn trẻ cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người thân sau khi bị động vật cắn.
Thùy Dung (T/h)