Bé Wa Wa (5 tuổi, Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc) và mẹ của bé rất thích ăn sầu riêng. Vì cho rằng đó là loại trái cây bổ dưỡng nên gia đình cho cậu bé ăn khá nhiều. Mỗi ngày cậu bé đều ăn 2 múi trong liên tiếp một tuần.
Tuy nhiên, sau đó, cậu bé bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bất thường như chán ăn, ngứa ngáy và khó chịu ở lòng bàn tay, bàn chân cũng như không thể đi đại tiện trong vài ngày, bắt đầu có những cơn sốt.
Khi thấy những dấu hiệu bất thường của con, mẹ của Wa Wa đã vội bế con tới bệnh viện. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết nguyên nhân là bởi ăn quá nhiều sầu riêng. Cô Trương - mẹ Wa Wa cũng cho hay, bản thân trong thời gian này cũng ăn khá nhiều nên có nổi mụn và tăng cân.
Những sai lầm khi ăn sầu riêng.
Một số đối tượng cũng cần tránh hay hạn chế ăn sầu riêng, tránh gây hại cho sức khỏe của bản thân. Nhóm đối tượng cần hạn chế ăn trái sầu bao gồm:
Người thường bị đau họng, hay bị ho, cảm lạnh, sổ mũi, hắt hơi khi ăn sầu riêng sẽ gây tạo đờm đặc, khó trôi.
Người có cơ địa nóng trong sẽ làm tình trạng nặng hơn khi ăn sầu riêng.
Người có bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày hay viêm ruột khi ăn sầu sẽ dễ bị tình trạng đầy bụng, chướng hơi.
Người có bệnh lý thận - tiết niệu hay bệnh lý tim mạch nên hạn chế ăn loại quả này do sầu riêng có chứa hàm lượng kali cao. Từ đó dễ gây ứ đọng kali làm loạn nhịp tim.
Bệnh nhân đái tháo đường hay có tình trạng béo phì, thừa cân cần tránh ăn sầu riêng do lượng đường cao và năng lượng do loại quả này cung cấp.
Người già cần hạn chế ăn sầu riêng do chất cellulose có trong quả dễ gây tắc ruột hay táo bón.
Bệnh nhân mắc các bệnh về tiền liệt tuyến không nên ăn loại trái cây này.
Các bác sĩ cho biết, sầu riêng về bản chất vẫn chỉ là một loại trái cây, so với thịt thì hàm lượng protein và chất béo không cao: "Lượng trái cây khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 200 đến 350 gram. Nên cố gắng cân bằng trong chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe."
Các bác sĩ khuyên chỉ nên ăn tối đa khoảng 100g sầu riêng mỗi ngày. Vì sầu riêng có hàm lượng chất xơ cao. Tiêu thụ vừa phải có thể giúp thúc đẩy nhu động ruột và quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ có thể làm tắc nghẽn ruột và giảm dịch ruột, khiến phân khô, gây táo bón, khó tiêu.
Sầu riêng là loại quả có hàm lượng calo cao, mỗi 100g ruột sầu riêng có khoảng 150 kcal - cao hơn hàm lượng calo của cơm là 118 kcal/100g nên nếu hấp thu quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì. Cùng với đó, dù những dưỡng chất trong sầu riêng có tác dụng nhất định đối với cơ thể nhưng ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tăng lượng đường và cholesterol trong máu.
Sầu riêng cũng có chứa histamine và các chất khác có thể gây dị ứng ở một số người, gây khó thở, phát ban và các triệu chứng khác. Ngoài ra, khí hydrogen sulfide trong sầu riêng có thể gây đau đầu, buồn nôn, nôn mửa và nhiều triệu chứng khó chịu khác nếu tiêu thụ quá mức.
Sầu riêng còn chứa một chất gọi là tyrosine. Nó sẽ được chuyển hóa thành tryptophan trong cơ thể con người, từ đó ảnh hưởng đến chức năng bình thường của hệ thần kinh. Nếu ăn quá có thể dẫn đến tâm trạng thất thường, mất ngủ, lo lắng và các vấn đề khác.
Những sai lầm khi ăn sầu riêng.
Sầu riêng là một loại quả thơm ngon và cung cấp nguồn dinh dưỡng đa dạng. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm sau khi thưởng thức sầu riêng:
Không nên ăn quá nhiều sầu riêng sẽ dễ gây tăng cân, đầy hơi, chướng bụng…
Cần bổ sung các loại thực phẩm có tính mát để tránh hiện tượng nóng trong người do sầu riêng. Nhóm quả có tính hàn như măng cụt, thanh long hay dứa.
Nếu không ăn hết sầu riêng, bạn nên bảo quản sầu riêng trong ngăn đá tủ lạnh. Trong tủ lạnh nên được bọc kín để tránh thoát mùi sầu đặc trưng. Trước khi ăn chỉ cần rã đông miếng sầu riêng trước 20 phút. Nên ăn hết phần đã được rã đông, tránh bỏ lại vào ngăn đá.
Nếu múi sầu riêng có dấu hiệu hỏng, mốc thì cần bỏ đi, không cắt phần hỏng để ăn phần lành trong cùng một múi quả.
Ngoài ăn trực tiếp, sầu riêng có thể dùng làm nguyên liệu cho các món sinh tố hay món chè.