Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 24/4, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, trung bình hằng năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị khoảng 10 trường hợp bệnh nhi nuốt phải bi nam châm. Gần đây nhất là 2 bệnh nhi đến từ Bình Định và Bình Dương.
TS.BS Lê Nguyễn Yên - Phó khoa Thận - Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trường hợp đầu tiên là bệnh nhi D.T. (nữ, 15 tháng tuổi, trú tại tỉnh Bình Định). Bệnh nhi T. nhập viện khoa Tiêu hoá với triệu chứng đau bụng cơn (3 ngày) kèm nôn ói nhiều lần.
Nghi ngờ bệnh nhi bị tắc ruột, các bác sĩ đã cho bệnh nhi chụp X-quang. Kết quả phát hiện dị vật gồm hai mẫu nam châm nhỏ kích thước khoảng 1cm. Dị vật có thể là phụ tùng đồ chơi rơi ra, không may bị bé nuốt phải. Ngay sau đó bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật thám sát.
Quá trình phẫu thuật ghi nhận, hai dị vật nam châm nằm trên đoạn ruột non, cách nhau khoảng 50 cm. Các dị vật đã hút nhau khiến đoạn ruột bị dính lại dẫn đến thủng và tắc ruột.
Bé 4 tuổi nuốt 20 viên nam châm, phải phẫu thuật cắt 15cm ruột. Ảnh minh họa.
Trường hợp khác là bé trai N.T (4 tuổi, trú tại tỉnh Bình Dương) vào viện cấp cứu sau 3 ngày đau bụng, tiêu lỏng, sốt.
Ở bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ thăm khám và chụp X-quang phát hiện chuỗi dị vật nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phúc mạc do dị vật, thủng ruột.
Bác sĩ Yên cho biết, ê-kíp phẫu thuật ghi nhận 5 quai ruột dính vào nhau và chuỗi nam châm xuyên qua các quai này, gây thủng 8 vị trí. Do số lượng nam châm gồm 20 viên, kích thước nhỏ khoảng 5mm nên ảnh hưởng quá trình tìm kiếm.
Để xác định vị trí các dị vật, kíp mổ đã kết hợp chụp X-quang nhiều lần, đảm bảo không còn sót. Bác sĩ khâu những lỗ thủng nhỏ và cắt nối một đoạn ruột khoảng 15cm có nhiều lỗ thủng.
Theo báo Vietnamnet, sau mổ, các bệnh nhi được sử dụng kháng sinh, dịch truyền, sau vài ngày đã ăn uống bình thường. Khi xuất viện, 2 trẻ được theo dõi định kỳ. Riêng trường hợp cắt nối nhiều vị trí nhập viện trở lại, điều trị cho đến khi ổn định.
Bác sĩ Yên cho hay, việc phát hiện chậm dị vật có thể dẫn đến biến chứng tắc, hoại tử và gây viêm phúc mạc nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng huyết thậm chí có thể tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người thân không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi có nhiều mảnh nhỏ, pin rời hoặc nam châm. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ, cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa ngoại nhi gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời.