Sức khỏe & Đời sống đưa tin, khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng vùng mặt, vùng mắt.
Được biết, bệnh nhi là em L.V.Đ (11 tuổi, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh), được đưa vào viên trong tình trạng bỏng vùng cổ, vùng mặt độ I, II; Bỏng da mi, kết mạc, giác mạc độ I, II. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ lập tức tiến hành xử trí, dùng giảm đau, làm sạch vết thương cho người bệnh.
Bé trai 11 tuổi nhập viện trong tình trạng bỏng vùng mặt, vùng mắt. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Theo lời kể của gia đình, trong lúc bất cẩn không để ý, bệnh nhi đã chơi bật lửa và bị cháy bén vào vùng mặt. Thời điểm xảy ra sự việc, chỉ có người bà đang ở cùng bệnh nhi. Thấy cháu bị như vậy, người bà đã bôi dầu luyn vào toàn bộ vùng bỏng của bệnh nhi rồi mới đưa đi viện cấp cứu.
Theo Infornet, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí lưu ý, khi phát hiện người bị bỏng, cần phải rửa vết bỏng bằng nước sạch để làm giảm nhiệt độ tại vết bỏng và giảm độ sâu của vết bỏng.
Trong trường hợp bị bỏng ở tay hoặc chân, có thể ngâm tay, chân trong chậu nước hoặc dùng vòi nước chảy xả trực tiếp vào vùng bị bỏng. Sau đó cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.
Các bác sĩ nhấn mạnh, tuyệt đối không được bôi, chườm bất cứ thứ gì lên vùng da bị bỏng của bệnh nhân. Đối với trường hợp của bệnh nhi 11 tuổi nói trên, việc bôi dầu luyn vào vùng bỏng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây khó khăn cho việc điều trị tiếp theo.
Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tai nạn này không chỉ gây ảnh hưởng tổn hại trước mắt tới sức khỏe mà còn để lại những hậu quả lâu dài, đặc biệt ở trẻ em.
Ở thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều gia đình bận rộn chuẩn bị, sắm sửa, không thường xuyên quan tâm, để mắt đến trẻ, khiến tình trạng trẻ bị bỏng thường có xu hướng gia tăng. Nhiều trẻ bị bỏng do nghịch pháo, nghịch bật lửa…nhưng hay gặp nhất là bỏng do nước sôi.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần quan tâm, giáo dục và để xa tầm tay của trẻ các vật dụng nóng sôi, các chất dễ cháy nổ, các chất sinh lửa, đồ điện... Ngoài ra, người lớn cũng cần chú ý đến cách sơ cứu. Việc xử trí đúng ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, làm diễn tiến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng.
Đinh Kim (T/h)