Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH đề nghị tăng ngay, tăng mạnh thuế thuốc lá vì sinh mạng nhân dân

  • Hoàng Thị Bích
(DS&PL) -

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội xem xét tăng ngay, tăng mạnh, tăng thường xuyên thuế thuốc lá vì sinh mạng nhân dân.

Tăng thuế thuốc lá giải pháp mang lại "lợi ích kép"

Sáng 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhận được nhiều ý kiến của ĐBQH trong đó có mặt hàng thuốc lá.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội), cho hay theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

WHO cũng khuyến cáo thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này.

Bằng chứng từ nhiều quốc gia cũng cho thấy điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại "lợi ích kép", vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, nguồn thu ổn định từ thuế thuốc lá đảm bảo nguồn tài chính cho các chương trình y tế cộng đồng.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: Media Quốc hội)

Ví dụ, tại Philippines sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012, tỉ lệ hút thuốc lá giảm từ 27% xuống còn 19,5%, trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD Mỹ năm 2012 đã lên 2,9 tỷ USD Mỹ năm 2022.

Ở Thái Lan từ năm 1993 đến năm 2017 tăng thuế thuốc lá 11 lần dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc từ 32% xuống còn 19,1% và thu ngân sách tăng 4 lần, tức là 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD.

"Vậy, tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới đánh giá là một chính sách cùng thắng, thắng trong bảo vệ sức khỏe và thắng trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước", ông Trí nói.

So với các nước ASEAN, theo ông Trí Việt Nam đang ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá là khoảng 36%, thấp hơn nhiều quốc gia như Thái Lan là 78,6%, Philippines là 71,3%, Singapore là 67,5%. Điều này, khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc loại hàng rẻ nhất Đông Nam Á.

"Vì vậy, căn cứ vào thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là theo khuyến cáo WHO, tôi đề nghị Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá", ông Trí nêu.

Ông Trí cũng cung cấp thêm một số thông tin từ Bộ Y tế. Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc, nằm trong con số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới, ước tính mỗi năm có hơn 100 nghìn ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính lên đến 108 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương 1,14% GDP.

"Vì sinh mạng nhân dân xin đừng chần chừ và nương nhẹ, rất mong ban soạn thảo quan tâm và tiếp thu", ông Trí nhấn mạnh.

Kiểm soát chặt việc buôn lậu thuốc lá

Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) bày tỏ cơ bản thống nhất với dự thảo luật về điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

"Đây là bước đi đúng đắn, cần thiết và cấp bách nhằm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá, nhất là trong giới trẻ, thể hiện rõ được quan điểm lấy sức khỏe của người dân làm trung tâm trong hoạch định chính sách. Đồng thời, phù hợp với cam kết quốc tế, khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và xu hướng chung trong khu vực", đại biểu Uyên nói.

Việc tăng thuế không nhằm gây khó khăn cho ngành sản xuất mà là một chiến lược toàn diện để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng cường trách nhiệm xã hội và hướng đến phát triển bền vững.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên. (Ảnh: Media Quốc hội)

Theo bà Uyên, hiện nay mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của nước ta còn thấp. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp, người có thu nhập thấp, người mới hút hoặc kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên cũng dễ tiếp cận.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ngay từ đầu năm 2026 với mức tăng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để đạt mức thuế tuyệt đối là 15.000 đồng/bao và thuế tỉ lệ là 75%.

Để thực hiện nội dung này, đề xuất ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể lộ trình tăng thuế tuyệt đối đến mức 15.000 đồng/bao thuốc lá từ năm 2026 đến 2030 theo từng năm.

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả trong việc thực thi chính sách thuế, bà Uyên cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ đối với buôn lậu thuốc lá, gian lận thương mại và thất thu thuế, đặc biệt tại các khu vực biên giới là cực kỳ cần thiết.

"Nếu không có sự giám sát nghiêm ngặt, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể vô tình thúc đẩy hoạt động buôn lậu, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và gây bất ổn cho thị trường trong nước", đại biểu nói.

Vì vậy, theo đại biểu đoàn Long An, bên cạnh chính sách tăng thuế, cần triển khai mạnh các biện pháp về kiểm soát tốt quản lý thị trường. Đặc biệt, thiết lập cơ chế kiểm soát đồng bộ liên ngành và xử lý nghiêm hàng lậu để đảm bảo mục tiêu kép, tăng thu ngân sách, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu.

Tin nổi bật