Sau lần phẫu thuật đầu tiên cách đây 34 năm, chị Dư Thị Kim Dung, trú tại ngõ 91, Chùa Láng, Hà Nội hiện vẫn sống chung mạnh khỏe với ung thư như với những loại bệnh mãn tính khác.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Dung tại căn nhà nhỏ ở tập thể đại học Ngoại Thương, phố Chùa Láng, Hà Nội để trò chuyện và nghe về câu chuyện sống chung với bệnh của chị.
Ít ai nghĩ rằng, người phụ nữ 54 tuổi này với khuôn mặt hay cười và rất dễ gần đó đã chiến đấu với bệnh phát hiện năm 20 tuổi.
Khi nói chuyện chị thường lấy tay ấn vào cổ bởi chị thở bằng một ống chức năng được bác sĩ lắp vào cổ từ 2 năm trước, chứ không phải là bằng mũi bằng miệng như người bình thường.
Ca phẫu thuật ám ảnh và gần 2 tháng ăn bằng ống xông
Chị Dung tâm sự bệnh ung thư đã ghé thăm chị từ năm 1983, lúc đó chị mới 20 tuổi đang còn là sinh viên trường Cao đẳng Thương nghiệp Hà Nội. chèn thực quản khiến chị nuốt vướng, nhưng ở thời điểm đó nhận thức về bệnh của chị và mọi người vẫn rất chủ quan. Khi đi khám và làm các xét nghiệm xong bác sĩ kết luận u lành tính.
Chị Dung yên tâm về đi học cho đến khi hàng xóm có người bị chết vì khối u, chị Dung chợt thấy lo. Lúc này, chị đem chuyện của mình kể với bạn cùng lớp, cũng may là bạn lại có người yêu là bác sĩ nên đã khuyên chị Dung làm phẫu thật để cắt bỏ khối u.
Nhưng chị Dung vẫn nấn ná ngại mổ. Chỉ đến khi khối u chèn ép gây khó nuốt, khó thở chị mới quyết tâm vào bệnh viện khám và mổ.
Chị Dung của hiện tại: Mạnh khỏe, yêu đời, lao động hoàn toàn bình thường, dù "mầm bệnh" ung thư mang trong người suốt 34 năm.
Chị Dung nhớ như in hôm đó là 4/3/1984 chị nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật vào ngày 10/3 tại Bệnh viện K Trung ương. Ca mổ của chị Dung được xác định khó, bác sĩ mất 4 tiếng và khối u rất khó lấy cộng thêm hai lần gây mê. Ca mổ vô tình đã gây thủng thực quản làm chị Dung phải ăn bằng đường ống xông 52 ngày.
Chị kể, lúc đầu không ai biết chị bị thủng thực quản. Chị Dung kể: "Đến hôm sau tôi ăn 1 miếng xoài thì thấy xoài chảy ra vết khâu ở cổ nên bác sĩ phải đặt ống xông luồn từ mũi xuống thẳng dạ dày cho tôi ăn, tôi bị nhiễm trùng vết mổ.
Cực chẳng đã đến ngày cắt chỉ do bị nhiễm trùng, bác sĩ lại mạnh tay đã làm rách vết mổ ảnh hưởng dây thanh quản sau đó tôi mất cả giọng, không nói được nữa, tôi chẳng khác gì người câm".
Sau phẫu thuật, bác sĩ giải phẫu tế bào và chẩn đoán chị Dung bị ung thư tuyến giáp. Lúc đó, chị và mọi người đều sợ ung thư và ai cũng nghĩ ung thư chắc không sống nổi. Mẹ chị Dung khóc cạn nước mắt vì thương con. Bà không dám khóc trước mặt chị mà ở bất cứ góc khuất nào của bệnh viện bà cũng ôm mặt khóc rưng rưng.
Nhưng với tinh thần lạc quan và sự cố gắng của bản thân mình, chị Dung không bỏ cuộc. Và điều kỳ diệu đã đến với chị, sau 6 tháng không nói được câu nào thì chị Dung đã nói được, câu đầu tiên chị gọi được đó là tiếng "Mẹ ơi". Cảm xúc vỡ òa, chị tưởng mình không thể nói được nhưng cuối cùng chị đã có thể gọi và nói.
Sau khi điều trị bệnh tạm ổn, không có hóa chất chị Dung về nhà đi học và đi làm. Chị xác định không lấy chồng vì lo bệnh sẽ tái phát. 9 năm sau, chị gặp một người đàn ông quê Thái Bình. Lần đầu tiên trái tim của chị loạn nhịp, chị yêu và kết hôn với anh.
Khi ấy, chồng chị cũng biết vợ mình từng bị bệnh ung thư nhưng anh chị đến với nhau bằng hiện tại và tương lai. Bỏ qua quá khứ bệnh tật để xây dựng hạnh phúc của riêng mình.
Hai cậu con trai kháu khỉnh chào đời, chị Dung cũng quên đi bệnh tật chị chịu khó lao động kiếm tiền nuôi con. Chị mở tiệm giặt là còn chồng chị làm đầu bếp anh cũng mở một nhà hàng nhỏ ở Vĩnh Phúc. Gia đình sống với nhau hạnh phúc.
Có lẽ, chị Dung đã sống chung và ung thư sợ chị bởi lúc nào chị cũng nghị lực vươn lên. Chị không muốn những người thân yêu của mình buồn và lo cho chị. Chính vì thế, chị thay những tiếng thở dài, những lúc bi quan nhất bằng tiếng cười và trò chuyện không ngừng.
Cuộc chiến lần thứ hai
Năm 2009, chị Dung bị ho nhiều nhưng không nghĩ bệnh mình tái phát cứ mua thuốc ho về uống, uống mãi không khỏi. Linh tính mách bảo, chị Dung giật mình nghĩ đến bệnh ung thư tái phát. Chị đi khám và kiểm tra xuất hiện u tuyến giáp. Bác sĩ hội chẩn phẫu thuật cho chị Dung.
Nhớ lại ca phẫu thuật hơn 20 năm trước, chị Dung không ngần ngại nói lại những biến cổ xảy ra sau ca phẫu thuật. Bác sĩ đã chọn điều trị cho chị Dung bằng tiêm thuốc đặc trị ngừa ung thư. Bệnh của chị tạm ổn và chị đi kiểm tra thường xuyên hơn.
Đến năm 2014, chị đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Các bác sĩ khuyên chị Dung nên mổ để cắt bỏ khối u. Chị Dung chần chừ chưa muốn mổ một phần vì kinh tế chưa cho phép, con cái chưa trưởng thành.
Chị về nhà nghe theo lời mách người này người kia uống thuốc nam để tiêu u. Chị mua thuốc nam vè uống được 1 tháng đi kiểm tra. Kết quả xét nghiệm khiến chị giật mình khi men gan tăng gấp 4 lần bình thường, hồng cầu, bạch cầu giảm, u rê tăng. Chị phải bỏ thuốc nam và vào bệnh viện phẫu thuật lần thứ 2 vào năm 2014, sau đúng 30 năm.
Kết quả giải phẫu bệnh lý chị bị ung thư tuyến giáp đã di căn 1/2 hạch. Chị được chuyển xuống khoa y học hạt nhân điều trị i ốt 131. Chị Dung kể lần đầu ăn kiêng rất vất vả bởi vì chị lại bị liệt dây thanh quản, ăn kiêng không it ốt khiến chị khó thở hơn.
Người phụ nữ 50 tuổi lại bước vào cuộc chiến mới với ung thư. Chị phải cách ly 3 ngày để uống thuốc. Sau khi uống thuốc i ốt và trước khi ra viện chị được chụp xạ hình toàn thân kiểm tra.
Chị đọc giấy ra viện đó là ung thư tuyến giáp kèm theo có u ở phổi. Chị ngẩn ngơ một lúc và quyết định giấu mẹ mình, bản thân chị cũng chẳng quan tâm tới cái u đó.
Đến lần chuẩn bị điều trị i ốt lần 2, chị tiếp tục ăn kiêng không i ốt khiến cơ thể bị tích nước mặt nặng khiến chị khó thở. Chồng chị nghỉ hẳn ở nhà chăm vợ nhưng nhìn vợ khó thở, tiếng thở đến cả xóm nghe được.
Anh cũng bất lực không giúp được gì cho vợ dễ thở hơn. Có lúc, chồng chị đã bật khóc vì không thể đau được cho nỗi đau của vợ nhưng chị Dung cố cầm lòng động viên lại chồng.
Chị bảo: "Lúc ấy anh ý là chỗ dựa cho chị và các con mà anh ấy yếu lòng thì chị cũng không thể vượt qua được nên đành phải tạo niềm tin cho chồng".
Chị mạnh miệng bảo với anh rằng: "Anh bây giờ là trụ cột và là chỗ dựa tinh thần cho ba mẹ con em. Anh khóc thế này em không chịu được khóc theo anh, em không thở được mà chết là tại anh đấy". Thấy vợ như thế, chồng chị Dung cũng không khóc nữa.
Đến ngày uống thuốc i ốt lần hai, chị Dung phải cấp cứu vào Bệnh viện Giao thông vận tải sau đó bác sĩ chuyển xuống Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vì chị đang là bệnh nhân ở đó. Các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu mở đường thở.
Từ khi mở đường thở ở cổ, chị Dung thấy mình khỏe hơn, thở dễ dàng hơn. Lúc đầu, chị phải đeo ống thở ở cổ hơi khó chụi nhưng bây giờ thành quen. Bác sĩ tư vấn có thể đóng ống thở nhưng chị Dung cho biết chị thấy bình thường.
Việc đeo ống thở ổ cổ mỗi khi nói chuyện với ai, chị lại lấy tay giữ ống. Khi ngủ chỉ bất tiện nếu chị thay đổi tư thế đột ngột ống thở chạm vào cổ họng gây ngứa cổ họng và gây ho.
Sau những ngày điều trị bệnh không thấy mặt trời, đến nay cuộc sống của chị đã tươi đẹp trở lại. Chị tham gia làm tình nguyện viên cho đoàn từ thiện của những bệnh nhân ung thư và chị đã đi khắp nơi để trao quà cho các bệnh nhân, những người nghèo.
Chị Dung kể đợt đi Điện Biên vào đầu tháng 4 vừa qua, chồng chị thấy sợ không muốn vợ đi nhưng chị trấn an lại chồng mình rằng "anh yên tâm, em đi được thì em mới đi". Chị nói mình hiểu sức khỏe của mình đến đâu và đi các nơi là mong muốn của chị để trả lại cho những ngày điều trị bệnh phải nằm bẹp giường.
Chị Dung kể đoàn chị đi có những bệnh nhân cắt cả chân nhưng họ vẫn đi, đi để thấy đất nước tươi đẹp và thêm yêu cuộc sống. Lúc ấy, chị càng thêm tinh thần sống chung với bệnh.
Kinh nghiệm đúc kết trong 1 trang giấy
Chị Dung tâm sự 34 năm sống chung với bệnh ung thư có lúc chị đã lãng quên căn bệnh của mình và chỉ đến khi chị bị bệnh tái phát lại, phải cấp cứu và thấy cuộc sống sống chung với bệnh ung thư, chị mới thấy bệnh ung thư thực sự là như thế nào nhưng với chị nghị lực để bước nó là cả một vấn đề.
Đúc kết kinh nghiệm của mình, chị Dung chia sẻ với bạn đọc cũng như những ai mắc phải ung thư những kinh nghiệm cá nhân của mình để bệnh nhân ung thư có thể tham khảo.
Kinh nghiệm quý giá của chị Dung trong quá trình chữa trị và sống chung với căn bệnh ung thư.
Chị Dung cho rằng, tinh thần là liều thuốc bổ vô giá và là yếu tố quan trọng nhất quyết định quá trình điều trị của mình. Tinh thần chiếm tới 50%.
Chị luôn suy nghĩ tích cực, "tôi không nghĩ ung thư là bệnh hiểm nghèo mà chỉ coi như bệnh mãn tính, mà đã là bệnh thì phải chữa". Chị luôn tự hứa không cho phép mình được bỏ cuộc. Luôn vui vẻ làm việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nói về quan niệm ung thư không nên đi đám tang, chị Dung chia sẻ: Chị vẫn đi đám ma khi gia đình, bạn bè, hàng xóm có người mất. Chị không thấy sợ gì cả và vẫn sống khoẻ, nên theo chị bệnh nhân ung thư không cần phải sợ đi đám tang như người ta vẫn nghĩ.
Về thực phẩm: Không ăn kiêng loại nào, nhưng có hạn chế đồ biển. Ăn nhiều rau xanh chọn các loại có nguồn gốc rõ ràng. Quan điểm của tôi vẫn phải ăn đủ chất dinh dưỡng, không kiêng nhiều sẽ thiếu chất, khi không có chất thì không chết vì bệnh mà chết vì suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, thể dục, thể thao vận động hàng ngày tốt cho sức khoẻ. Dù bệnh nhưng chị vẫn đi làm bởi lao động không nặng nhọc cũng là cách vận động tốt. Chị Dung vẫn đi lấy hàng giao hàng cho cửa hàng giặt là của mình.
Những khách quen của chị rất ít người biết chị đã phải chiến đấu với bệnh ung thư bởi lúc nào chị cũng lạc quan, làm việc thoải mái với sức khoẻ mình có.
Chia sẻ với chúng tôi, điều chị Dung còn trăn trở nhất đó là quan niệm về điều trị ung thư còn rất mơ hồ nhiều bệnh nhân có những quan điểm sai lầm như không đi đám ma, ăn kiêng rồi đủ các kiểu khiến nhiều bệnh nhân "chết oan" vì ăn kiêng.
Mỗi lần nghe báo đài nói về những ai nặng bệnh, mất cơ hội sống vì ăn kiêng là tim chị đau thắt bởi vì người bệnh tâm lý có bệnh vái tứ phương nhưng họ lại không hiểu bệnh ung thư vẫn có thể vượt qua nếu có suy nghĩ tích cực, tuân thủ điều trị thì cũng vượt qua được bệnh tật.
"Cuộc sống là vô thường, bến đỗ cuối cùng của cuộc đời thì ai cũng phải đến chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cho dù ngày mai có thế nào thì ta cứ cười và vui vẻ lên khi cuộc đời còn có thể
Và cuối cùng thì với tôi Ung thư không phải là dấu chấm hết. Bởi 34 năm tôi đã làm bạn với ung thư và tôi đã là người chiến thắng" - chị Dung chiêm nghiệm.