Theo TTXVN, ngày 16/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đình Hậu (sinh năm 1978, trú tại xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1966, trú tại tỉnh Yên Bái) về hành vi Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Bắt tạm giam Nguyễn Đình Hậu và Nguyễn Thị Phượng về hành vi Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Ảnh: Công an nhân dân
Báo Công An Nhân Dân đưa tin, trước đó, ngày 11/8, Đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế-Ma túy, Công an huyện Lập Thạch phối hợp với Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an làm nhiệm vụ tại Trạm thu phí nút giao IC6 - đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (thuộc địa bàn xã Văn Quán, huyện Lập Thạch) phát hiện xe ôtô chở khách BKS 88B-011... có những biểu hiện nghi vấn.
Xe ôtô này do Nguyễn Đình Hậu trú tại xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc điều khiển.
Tang vật thu giữ gồm cá thể rùa, rắn. Ảnh: Công an nhân dân
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 thùng giấy đựng 10 cá thể rùa; 18 cá thể rắn hổ mang; 2 bao tải chứa 41 cá thể rắn hổ mang.
Tổ công tác yêu cầu Nguyễn Đình Hậu xuất trình giấy tờ liên quan đến số cá thể rùa và rắn trên nhưng người này không xuất trình được giấy tờ.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hậu khai nhận, 10 cá thể rùa và 18 cá thể rắn là của Nguyễn Thị Phượng thuê mình chở đến huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để giao cho khách; còn 41 cá thể rắn là của một người đàn ông thuê Nguyễn Đình Hậu chở từ khu vực lối ra nút giao IC9 - đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai về huyện Vĩnh Tường.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ, Công an huyện Lập Thạch đã triệu tập Nguyễn Thị Phượng. Đối tượng này khai, đã mua thu gom số động vật trên của người dân với mục đích bán lại kiếm lời.
Kết quả trưng cầu giám định tại Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xác định 10 cá thể rùa nêu trên là rùa đầu to và rùa sa nhân; 59 cá thể rắn là rắn hổ mang Trung Quốc.
Đây đều là các động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm.
Cụ thể: Loài rùa đầu to có tên trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ; rùa sa nhân và rắn hổ mang Trung Quốc có tên trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/9/2021 của Chính phủ, theo báo Công an nhân dân.
Nguyễn Linh (T/h)