Hiện nay, nhiều loại cây ăn quả quen thuộc ở làng quê Việt Nam đang được tạo dáng thành bonsai để trưng bày trong nhà, sân vườn, góp phần làm đẹp cảnh quan. Trong số đó, cây sung bonsai đặc biệt được ưa chuộng.
Cây sung, còn được biết đến với các tên gọi như cây Ưu Đàm Thụ hay cây Tụ Quả Dong, là một loại cây thân gỗ rất phổ biến ở nước ta. Thuộc họ Dâu tằm, cây sung thường mọc hoang ven bờ ao, sông suối hoặc được trồng trong các hộ gia đình. Quả sung có hình tròn, màu xanh hoặc cam, đường kính trung bình từ 2-3cm và thường mọc thành chùm.
Cây sung, còn được biết đến với các tên gọi như cây Ưu Đàm Thụ hay cây Tụ Quả Dong, là một loại cây thân gỗ rất phổ biến ở nước ta.
Trong những năm gần đây, cây sung "lên chậu" thành bonsai đang ngày càng được ưa chuộng bởi vẻ đẹp độc đáo. Trên thị trường, một cây sung bonsai có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Đặc biệt, những cây lâu năm với dáng thế độc đáo, lạ mắt có thể đạt giá trị vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Theo Tri Thức & Cuộc sống, anh Nguyễn Thế Tùng (sinh năm 1977, quê Hưng Yên) được mệnh danh là "ông vua sung" bởi tình yêu đặc biệt dành cho loài cây này. Hiện tại, anh đang sở hữu hơn 30 gốc sung cổ với nhiều dáng thế độc đáo. Đối với anh Tùng, cây sung không chỉ là một cây bonsai nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc, rất phù hợp với truyền thống của người Việt.
Sinh ra và lớn lên trong một làng nghề cây cảnh truyền thống, anh Tùng sớm có cơ hội tiếp xúc với cây cối. Khi còn nhỏ, anh thường nhổ những cây dại như sanh, duối... về trồng và tự tay tạo tác. Thời điểm đó, việc này chỉ đơn thuần là sở thích và đam mê, chưa có kỹ thuật bài bản. Anh Tùng chia sẻ, có khi anh trồng hàng trăm phôi cây nhưng chỉ một vài cây sống sót. Những cây sống được anh thường giữ lại để chơi hoặc tặng bạn bè, chứ không bán.
Đến khoảng năm 2001, khi 26 tuổi, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ bonsai, anh Tùng quyết định mở rộng mô hình trồng và kinh doanh cây cảnh. Ở tuổi đời còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, anh đã trải qua không ít khó khăn. Tuy nhiên, anh không từ bỏ mà vẫn dành trọn tâm huyết cho vườn cây của mình.
Trên thị trường, một cây sung bonsai có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Đặc biệt, những cây lâu năm với dáng thế độc đáo, lạ mắt có thể đạt giá trị vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Anh Tùng chia sẻ, giai đoạn khó khăn nhất là năm 2011. Đây là thời điểm anh đầu tư số vốn rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng để mở rộng vườn mà không có ai góp vốn. Trớ trêu thay, đó lại là năm kinh tế suy thoái. Nhiều cây anh mua với giá 300, 500 triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng không thể bán được. Có những cây bán được thì giá chỉ còn 1/10 hoặc thậm chí mất trắng.
Mãi đến năm 2015 - 2016, tình hình mới dần ổn định trở lại. Anh Tùng đã phải làm thêm nhiều nghề khác để kiếm tiền và duy trì niềm đam mê bonsai.
Dù gặp nhiều chông gai, anh Tùng vẫn kiên trì với cây cảnh. Bước ngoặt lớn nhất đến vào năm 2019, khi anh bán được một cây sanh cổ với giá 5 tỷ đồng. Anh kể: "Đây là một cây cổ có dáng trực, tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Tôi mua cây này ở Nam Điền (Nam Định) – một làng nghề cây cảnh truyền thống, với giá 56 triệu đồng. Ban đầu, nó chỉ là một phôi cây bị bỏ xó trong vườn của một cụ già, không được tạo tác. Sau 3 năm kiên trì thuyết phục, từ năm 2006 đến 2009, tôi mới mua được nó. Sau 11 năm chăm sóc và tạo tác thành một tác phẩm hoàn chỉnh, tôi mới bán. Đây là cây sanh cổ, tay cành nguyên bản nên rất đẹp."
Hiện nay, tổng diện tích vườn của anh Tùng là 5.000m², trưng bày hơn 100 gốc cây bonsai cổ thụ với tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Trong số đó có nhiều loại cây quý như sung, thị, sanh, xi cổ, xoài...
Đặc biệt, trong vườn có một cây sung khổng lồ với đường kính gốc khoảng 4m, cao hơn 3m và tán rộng hơn 4m. Cây này được anh Tùng tìm mua cách đây 3 năm và đang trong quá trình chăm sóc đặc biệt trước khi được chuyển vào một chiếc chậu cảnh khổng lồ. Cây sung đang được nuôi tay và cành, khi đạt đủ tiêu chuẩn mới bắt đầu tiến hành tạo tác.
Dù chưa hoàn thiện thành một tác phẩm bonsai hoàn chỉnh, cây sung này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người yêu cây cảnh. Anh Tùng tiết lộ, đã từng có người muốn đổi cả chiếc ô tô Toyota Camry để lấy cây nhưng anh không đồng ý. Cây sung này nằm trong bộ "tứ linh" gồm Đa - Sung - Sanh - Si và bộ "Tam Đa" gồm Sung (Phúc), Lộc Vừng (Lộc), Vạn Tuế (Thọ). Đây là những loài cây mang ý nghĩa tốt lành trong phong thủy, thường được trồng làm cảnh trong nhà.
Tác phẩm sung "khủng" có tên “Thành quả sung túc”. Cây này có giá 10 tỷ đồng thu hút sự chú ý của giới chơi cây.
Theo Thị Trường Tài chính, trước đó, giới chơi cây từng xôn xao gốc sung bonsai của anh Đặng Phùng Hiệp (quê Hà Nội). Tác phẩm sung của anh có tên “Thành quả sung túc”. Lý giải về cái tên đặc biệt này chủ cây cho hay vì nhìn cây vững chãi như một bức tường thành và có ý nghĩa con người chăm chỉ lao động sẽ có thành quả, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc.
Cây sung này có tuổi đời 100 năm, cao khoảng 2m, đường kính bệ rễ khoảng 3m. Gốc có nhiều rễ lớn nổi trên mặt đất và trên rễ lớn có nhiều rễ nhỏ, màu bệ rễ như đá đã hóa thạch đẹp mắt. Theo anh Hiệp, giá trị nghệ thuật là vô giá, giá trị kinh tế phải lên đến 10 tỷ đồng. Ai muốn sở hữu kiệt tác sung cảnh này phải thực sự yêu tác phẩm cũng như hiểu được sự vất vả tạo tác của người nghệ nhân trong 20 năm để tạo nên cây cảnh bonsai đẹp.
Được biết, để trồng được sung bonsai là không khó, nhưng tạo được những thế cây đẹp, độc lạ, đòi hỏi người thợ phải am hiểu về nghệ thuật chơi cây kiểng và đặc tính sinh trưởng của sung để trong thời gian ngắn nhất làm ra được tác phẩm đẹp nhất có thể.
Một cây sung bonsai cần đảm bảo các tiêu chí thân bệ, gốc bồ, ngọn chỉ, tức bệ rễ gốc sẽ to nhất càng lên ngọn thì càng nhỏ, các nhánh cân đối với thân và tùy vào từng dáng mà để vị trí nhánh cho hợp lý. Tùy vào thời tiết từng giai đoạn trong năm mà người trồng sẽ cân nhắc mà lựa chọn cách chăm sóc phù hợp.