Phim truyền hình "Đất phương Nam" phát sóng năm 1997 được xem là "bộ phim quốc dân" gắn liền với tuổi thơ của đông đảo khán giả. Sau 25 năm, tác phẩm được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển thể lên màn ảnh rộng, thu hút sự chú ý của công chúng với tên gọi mới "Đất rừng phương Nam".
Phim được đầu tư 40 tỷ, có sự tham gia của Trấn Thành, Tuấn Trần, Tiến Luật, Công Ninh, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Kiều Trinh...
Sau trailer vào giữa tháng 8, bối cảnh miền Tây trong "Đất rừng phương Nam" đã nhanh chóng thu hút sự bàn luận sôi nổi của khán giả. Trong đó, bối cảnh chợ nổi miền Tây tại rừng tràm Trà Sư từng gây chú ý vào thời điểm khai máy, nay được đoàn làm phim giới thiệu trong video hậu trường.
Đại cảnh chợ nổi miền Nam xưa trong "Đất rừng phương Nam".
Theo ê-kíp, đại cảnh chợ nổi là một trong những phân đoạn hoành tráng và có ý nghĩa quan trọng của "Đất rừng phương Nam", xuất hiện ngay từ những trang đầu tiên trong tiểu thuyết.
Xóm chợ thể hiện chân thực không khí sinh hoạt tấp nập của người dân miền sông nước, với hàng chục chiếc ghe thuyền trên hệ thống kênh rạch chằng chịt của rừng tràm. Chính tại khu chợ này, An đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng trên hành trình tìm cha của mình như cha con chú Ba bắt rắn, cha con ông Tiều, quán rượu dì Tư Ù…
Vì không có điều kiện xây dựng toàn bộ phim trường, đoàn phim "Đất rừng phương Nam" phải dựa vào kiến trúc có sẵn để dựng lại 70% bối cảnh. Nội thất, phụ kiện... cũng được sưu tầm để đảm bảo tính lịch sử.
Một vài bản phác thảo bối cảnh chợ nổi.
Với bối cảnh chợ nổi, “Đất rừng phương Nam” đã huy động gần 400 diễn viên quần chúng trên bến dưới thuyền và may mới gần 500 trang phục do diễn viên.
Do hiện nay phần lớn người dân đều chuyển sang dùng thuyền composite (thuyền nhựa), ê-kíp phải mất vài tháng để đóng mới hơn 50 chiếc thuyền gỗ tại nhà xưởng ở Đồng Tháp, sau đó chất lên ghe lớn, chở về rừng tràm Trà Sư và dùng nhiều phương tiện để chuyển thuyền về bối cảnh chính.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, khó khăn lớn nhất khi thực hiện đại cảnh chợ nổi chính là điều động các phương tiện sông nước.
Do đặc tính khó điều chỉnh vị trí hơn việc sử dụng đạo cụ xe cộ nên mỗi khi reset (quay lại), ê-kíp lại phải mất nhiều thời gian để dàn cảnh ghe xuồng tấp nập ngược xuôi, tạo nên không khí họp chợ sôi động. "Công đoạn này cực kỳ phức tạp, cần phải có chiến lược rõ ràng, cứ như đánh trận vậy", đạo diễn nói.
Bối cảnh được thực hiện với nhiều công sức, thời gian.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chỉ đạo các cảnh quay.
Ở những phân cảnh đặc tả nhân vật, thiên nhiên sông nước cũng gây ra không ít khó khăn. Như kịch bản yêu cầu thuyền của ông Tiều phải từ từ cập bến, tuy nhiên con nước xuôi dòng và gió thuận chiều lại đẩy thuyền đi nhanh, khó điều khiển, khiến Tiến Luật "chịu thua" sau 3 tiếng quay phim.
Rừng tràm Trà Sư hiện kinh doanh khu du lịch sinh thái nhưng ban quản lý đã sẵn sàng ngừng hoạt động để hỗ trợ “Đất rừng phương Nam” xây dựng bối cảnh và quay phim.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dí dỏm chia sẻ: "Nhờ tình cảm của khán giả dành cho phim truyền hình Đất phương Nam ngày xưa mà giờ đây, phim điện ảnh cũng nhận được sự ưu ái và hỗ trợ từ các địa phương, đơn vị".
XEM THÊM: “Biệt dược đen” lên sóng VTV, đạo diễn nói gì về các cảnh nóng, bạo lực?
Bên cạnh đại cảnh chợ nổi, nhiều cảnh đẹp đặc trưng khác của miền Tây như rừng ngập mặn, vườn cò, đồng lúa bát ngát, bãi bùn mênh mông… cũng được đưa vào phim. Suốt hai tháng ghi hình, đoàn phim đã đi khắp các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ. Đạo diễn cho biết: "Càng đi, tôi càng thấy miền Tây thật đẹp. Bỗng nhiên, tôi cũng được tham gia vào chuyến phiêu lưu trong phim, cùng chú bé An khám phá thiên nhiên, con người".
Phương Quế