Theo một giả thuyết rất phổ biến, người Pháp vốn coi 1/4 là ngày đầu tiên của mùa xuân và đón mừng năm mới trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 1/4. Trong khi đó, khái niệm Poisson d’avril - Cá tháng Tư - lại có nguồn gốc khác. Nhà thơ d’Amerval là người đầu tiên đưa ra khái niệm này, bởi tháng tư là tháng của cung Song Ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào.
Theo thời gian, trò đùa vào ngày Ngày Cá tháng Tư trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18).
Không phải cứ đến ngày Cá tháng Tư là bạn có thể vô tư nói dối mà không gặp rắc rối, tại một số quốc gia, mọi người chỉ được phép nói dối trêu đùa đến trưa 1/4. Ảnh minh họa.
Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư mang tính quốc tế, được chấp nhận ở nhiều nước.
Dù là ngày lễ của quốc tế, nhưng việc nói dối ở mỗi đất nước lại vô cùng khác nhau.
Ngày Cá tháng Tư, mọi người có thể thoải mái nói dối nhau nhưng không phải bất kỳ thời gian nào trong ngày này, lời nói dối của người nói dối cũng dễ dàng được tha thứ.
Theo đó, mọi người có thể nói dối cả ngày ở Mỹ, Pháp, Ireland... nhưng chỉ được nói dối đến giữa trưa ngày 1/4 ở Anh, Canada, New Zealand, Úc. Ở những quốc gia này, nếu nói dối sau buổi trưa ngày 1/4, sẽ bị coi là bất lịch sự, thậm chí người bị lừa còn giận và cạch mặt người đã lừa họ.
Mặc dù tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là mang lại tiếng cười và niềm vui, mỗi quốc gia lại có những cách kỷ niệm và truyền thống riêng biệt, thể hiện sự đa dạng văn hóa.
Tại Scotland, ngày Cá tháng Tư trước đây được biết đến với tên gọi "săn chim cúc cu" (Hunt the Gowk), trong đó từ "gowk" vừa là tên gọi khác của chim cúc cu vừa mang nghĩa là "kẻ ngốc". Một trò đùa phổ biến trong ngày này là yêu cầu một người chuyển giúp tin nhắn đóng dấu với nội dung: "Dinna cười to, dinna cười mỉm. Hãy săn chim cúc cu ở nơi khác". Người nhận sau đó phải chuyển tiếp tin nhắn này đến một "nạn nhân" tiếp theo, tạo nên một chuỗi trò đùa không hồi kết.
Người ta cho rằng, trò đùa “hãy đá tôi một phát” bắt nguồn từ trò chơi ngày Cá tháng Tư của dân Scotland, theo đó mọi người cố gắng dán lén một con cá bằng giấy lên lưng người bị trêu.
Tại vùng đất Ba Tư cổ đại, có một sự kiện tương tự với tên gọi Sizdahbedar, thường diễn ra vào đúng ngày 1/4. Ngày này cũng là dịp để mọi người tham gia vào các trò đùa vui nhộn, tạo ra không khí rộn ràng và gắn kết trong các cộng đồng.
Tại Việt Nam, ngày Cá tháng Tư đặc biệt phổ biến với giới trẻ. Nhiều người coi đây là cơ hội để trêu chọc bạn bè và người thân, không chỉ để gây cười mà còn để tăng cường sự gần gũi và thân thiết. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, ở Việt Nam, ngày Cá tháng Tư đặc biệt phổ biến với giới trẻ. Nhiều người coi đây là cơ hội để trêu chọc bạn bè và người thân, không chỉ để gây cười mà còn để tăng cường sự gần gũi và thân thiết. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ tận dụng ngày nói dối này để tỏ bày tình cảm với những người mà họ thầm mến, biến những lời đùa thành những sự thật ẩn giấu.
Tại Anh, những ai bị lừa vào ngày 1/4 được gọi là “April Fool”, tức là kẻ ngốc của tháng Tư. Trong khi đó, ở Scotland, người bị lừa được gọi với cái tên "Gowk", cũng mang nghĩa tương tự. Nhưng đặc biệt, tại Pháp, những ai rơi vào bẫy trong ngày này được gọi là "Poissons d'Avril", có nghĩa là “những con cá tháng Tư”.
Tên gọi độc đáo này xuất phát từ một truyền thống hài hước nơi những người Pháp trẻ tuổi thường dán hình những con cá giấy lên lưng ai đó mà không để họ biết, tượng trưng cho sự nhẹ nhàng và ngây thơ của những trò đùa ngày Cá tháng Tư. Và có lẽ do ảnh hưởng của người Pháp nên ở Việt Nam chúng ta cũng gọi ngày này là ngày Cá tháng Tư.