Khoai lang là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết khá thấp (chỉ khoảng 50). Với chỉ số này nó sẽ giúp hệ tiêu hoá hấp thu dễ dàng các dưỡng chất, cùng với đó lượng đường trong máu và insulin được sản xuất ở mức ổn định, hỗ trợ giảm cân cực kỳ hiệu quả.
Không những thế mà nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp thường có khả năng hạn chế việc thèm ăn và giúp bạn có cảm giác no lâu.
Khoai lang là thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao như: protein, lipid, vitamin, chất xơ và các khoáng chất khác. Chính vì thế, khi ăn khoai lang giảm cân bạn sẽ bớt đi nỗi lo thiếu chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, dù nhiều dinh dưỡng nhưng hàm lượng calo trong khoang lang khá thấp, chỉ 85 calo trong 100g. Chính vì thế, khoai lang được nhiều chị em phụ nữ ưu tiên lựa chọn vào thực đơn giảm cân của mình.
Ngoài ra, nếu bạn lựa chọn khoai lang có màu cam để giảm cân thì nó còn mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe. Theo đó, loại khoai này có chứa nhiều beta-carotene giúp sáng mắt, ngăn ngừa nguy cơ ung thư.
Đối với khoai lang có màu tím, chúng chứa hàm lượng sắc tố anthocyanin dồi dào. Hợp chất này có tác dụng như là chất chống oxy hóa, giúp bạn tăng cường sức đề kháng, hạn chế viêm nhiễm. Ngoài ra, hàm lượng anthocyanins trong khoai lang tím nhiều gấp 3 lần so với hàm lượng trong quả việt quất với một khối lượng tương đương.
Trong khoai lang có chứa hàm lượng lớn chất xơ. Được biết, chất xơ có vai trò then chốt đối với việc giảm cân, nó hoạt động bằng cách hình thành một lớp lưới giống như dạng gel bên trong dạ dày, giúp người ăn chúng có cảm thấy no, hạn chế tình trạng ăn quá nhiều.
Đồng thời, chất xơ hoà tan này có khả năng hạn chế hấp thu chất béo của cơ thể. Không chỉ thế, chất xơ còn hỗ trợ quá trình sản xuất lợi khuẩn, kích thích trao đổi chất, hỗ trợ tiêu hoá tốt, từ đó giúp giảm cân hiệu quả.
Khoai lang có tác dụng giảm cân một phần nhờ chứa hàm lượng nước cao. Đặc biệt, khi kết hợp với chất xơ sẽ giúp người ăn cảm giác no lâu hơn, hạn chế cảm giác thèm ăn. Đồng thời, lượng nước này sẽ bù nước cho các tế bào và hỗ trợ quá trình trao đổi chất tốt. Nhờ đó, hạn chế chất béo tích tụ “làm tổ” trong cơ thể, cân bằng độ pH, loại bỏ các chất có hại.
Chúng ta cần nấu khoai lang thật kỹ. Do màng tế bào của tinh bột trong khoai lang không bị nhiệt độ cao phá hủy nên cơ thể rất khó tiêu hóa nếu khoai lang chưa chín hẳn.
Hơn nữa, trong khoai lang chứa một loại enzym oxidase, loại enzym này dễ tạo ra lượng lớn khí cacbonic trong đường tiêu hóa. Nó sẽ gây khó chịu ở đường tiêu hóa, đồng thời làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến béo phì.
Trong khoai lang chứa khá nhiều đường, cơ thể sẽ không thể hấp thụ hết trong một lúc, phần còn lại đọng trong ruột dễ bị lên men, gây khó chịu ở bụng.
Theo y học cổ truyền, những người bị tắc nghẽn lá lách và dạ dày, khí ứ đọng và tích tụ thức ăn nên thận trọng khi sử dụng khoai lang.
Không nên ăn khoai lang và hồng cùng một lúc trong thời gian ngắn mà nên ăn cách nhau ít nhất là 5 tiếng.
Nếu ăn cùng lúc, đường trong khoai lang sẽ lên men trong dạ dày, làm tăng tiết axit dạ dày và phản ứng với chất tannin, pectin trong quả hồng dẫn đến kết tủa, ngưng tụ tạo thành các cục cứng, trường hợp nặng có thể gây rối loạn tiêu hóa, chảy máu hoặc có thể là loét dạ dày.
Thùy Dung (T/h)