Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bật mí cách giúp con vượt qua cú sốc sau thi cử

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Sau mỗi mùa thi quan trọng kết quả thi luôn là thứ mà con cái và phụ huynh quan tâm. Với những trường hợp làm bài tốt thì tâm lý con trẻ sẽ rất thoải mái và ngược lại nếu kết quả không như mong đợi con sẽ rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng, thậm chí suy nghĩ tiêu cực.

Sức khỏe & Đời sống dẫn lời GS.TS. Vũ Dũng - Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, cha mẹ phải luôn là nguồn động viên tinh thần cho các con. Trước thất bại này, thay vì la mắng, khiển trách, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con khi các em không đạt được điều mình mong muốn.

Theo GS.TS. Vũ Dũng, trước kỳ thi, sự nghiêm khắc đối với con em là điều cần thiết, nhưng sau đó, chính cha mẹ cũng cần nhẹ nhàng hơn, bởi sự quở trách không thể thay đổi được kết quả điểm thi mà đôi khi còn để lại những hậu quả đáng tiếc. Cha mẹ cũng cần cùng con tìm ra nguyên nhân của thất bại và giúp các em vơi đi nỗi thất vọng, tự trách móc bản thân. "Gia đình hãy là nơi để các em trở về khi vấp ngã và lại từ đó mà mạnh mẽ để đứng lên".

Về phía các cơ quan quản lý xã hội, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, các chương trình giáo dục, các kỳ thi chuyển cấp, hết cấp không quá nặng để tạo áp lực lớn cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có nhiều điều kiện vui chơi hơn. Đây là điều kiện quan trọng giảm bớt căng thẳng tâm lý cho học sinh.

Chia sẻ với Giáo dục & Thời đại, cô Nguyễn Thị Thương, Trường THCS Thuận Thành (Bắc Ninh) cho rằng, năng lực của con người không chỉ có ở việc học tập, mà năng lực học tập cũng không hoàn toàn đo bằng kết quả thi cử. Nếu các sĩ tử có năng lực học tập không cao, không như mong muốn thì có thể tài năng của các em lại phát huy ở nhiều góc độ khác.

“Nếu kết quả học tập chưa cao, hãy lắng nghe bản thân mình, cùng trao đổi, tâm sự với bố mẹ, thầy cô để tìm cho mình hướng đi khác. Có thể đó là sẽ là một con đường khác tốt hơn, tươi đẹp hơn cả so với những con đường mà các em tưởng là duy nhất”, cô Thương đưa ra lời khuyên.

Đối với con trẻ, chuyện học tập rất quan trọng. Do đó, thành công hay thất bại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí của các em. Vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành, quan tâm đến con trẻ từ trước, trong và sau khi các em bước vào các kỳ thi là rất lớn. Do đó, phụ huynh phải giúp các em hiểu cần học tập tối đa trong khả năng, luôn nỗ lực vươn tới mục tiêu.

“Nếu các em đã cố gắng hết sức, làm hết khả năng nhưng kết quả không như mong đợi thì cả cha mẹ và các con hãy vui vẻ chấp nhận. Sau đó, hãy tìm con đường đi khác. Đừng bao giờ coi con đường học tập, kết quả học tập là thứ duy nhất đánh giá một học sinh. Đừng bao giờ xác định con đường đi của con trẻ chỉ có học tập”, cô Thương nhấn mạnh.

Cũng theo cô Thương, nếu thấy con trẻ có dấu hiệu sốc, suy sụp, bố mẹ cần nâng đỡ tinh thần cho con. Không chỉ trích, phán xét, so sánh… Cần đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Cha mẹ có thể đưa các con đi chơi, tham gia một hoạt động nào đó... khích lệ con trẻ vượt qua khủng hoảng. Sau đó, hãy cùng ngồi lại với con để tìm kiếm một hướng đi mới phù hợp nhất.

Đối với các em thi trượt, đây có thể được coi như “cú sốc” đầu đời. Các em phải đối mặt với rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực như: Trách móc bản thân vì đã làm bài không tốt; xấu hổ vì thua kém bạn bè; sợ hãi, mặc cảm tội lỗi vì phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô; lo lắng khi mọi người xung quanh hỏi han, phán xét… Không được cha mẹ sẻ chia, tháo gỡ kịp thời, các em có thể bị rối loạn lo âu, trầm cảm.

Có không ít phụ huynh khi con thi không đạt nguyện vọng đã thể hiện rõ sự thất vọng, mắng mỏ, chì chiết, so sánh con mình không bằng “con nhà người ta”, nói ra những lời lẽ có tính sát thương cao, coi con là “đồ bỏ đi”, “đồ ăn hại”, “đáng xấu hổ”… Thậm chí, vẫn có những ông bố, bà mẹ dùng đòn roi để “nói chuyện” với con.

Những cách hành xử này không giúp thay đổi kết quả thi, mà chỉ khoét sâu hơn những tổn thương của con, làm xa thêm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Nó có thể đẩy những đứa trẻ vào đường cùng, nảy sinh những suy nghĩ, hành động dại dột.

Thay vì chỉ nhìn vào kết quả là con thi trượt rồi chỉ trích, đánh mắng con, cha mẹ nên ghi nhận sự nỗ lực của con trong suốt thời gian vừa qua. Các con đã phải chịu rất nhiều áp lực, vất vả ôn luyện ngày đêm, cha mẹ chính là người chứng kiến, hiểu rõ điều đó nhất. Kết quả thi dù không tốt nhưng các con cũng đã nỗ lực hết mình.

Để giúp con ổn định tâm lý sau cú sốc thi trượt, cha mẹ nên tăng cường trò chuyện, làm bạn với con, để con hiểu rằng cha mẹ luôn ở bên, đồng hành cùng con giải tỏa áp lực. Mặt khác, cha mẹ cần phân tích cho con hiểu rằng thất bại trong kỳ thi này chỉ là một trong những chuyện không như ý muốn mà con sẽ phải đối mặt trong cuộc đời. Hành trình để trưởng thành, để thành công luôn sẽ có những lần vấp ngã, sai lầm, thất bại. Con cần học cách đối diện, học bài học từ những thất bại, đứng dậy và trưởng thành sau những sai lầm.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật