Thiếu tiền mua ma túy, Trung đã giật túi xách của hai mẹ con chị A., toàn bộ hành động của đối tượng đã bị camera an ninh ghi lại.
Theo báo Dân Việt, ngày 7/3, Công an huyện Gò Dầu, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, đang tạm giữ đối tượng Lê Hoàng Trung (35 tuổi, ngụ xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) để điều tra làm rõ về hành vi Cướp giật tài sản.
Đối tượng Lê Hoàng Trung - Ảnh: báo Công an TP. HCM |
Báo Dân Trí thông tin, trước đó, vào khoảng 11h45’ ngày 5/3, chị A. (ngụ phường 4, TP Tây Ninh) chở mẹ là bà V. (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) về thăm người thân ở TP Tây Ninh. Khi đi đến khu vực ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu thì bất ngờ có 1 thanh niên chạy từ phía sau lên áp sát giật túi xách rồi tẩu thoát.
Bà V. tri hô còn chị A. nhanh chóng đuổi theo một đoạn thì bị mất dấu nên liền báo Công an. Nhận được tin báo, Công an huyện nhanh chóng cử lượng chốt chặn các tuyến đường, đồng thời trích xuất hình ảnh từ camera an ninh để xác định đối tượng, sau đó yêu cầu các điểm trinh sát nắm vững địa bàn truy tìm.
Chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, Công an huyện phát hiện dấu vết tên cướp xuất hiện ở một quán cà phê thuộc ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh nên ập vào bắt gọn đối tượng. Khi bị bắt, tên cướp vẫn chưa kịp tẩu táng tang vật, cơ quan an ninh thu giữ 2 điện thoại di động và 1 chiếc lắc màu vàng trọng lượng khoảng 5 chỉ, 2 nhẫn vàng và trên 2 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai tên Lê Hoàng Trung (ngụ huyện Trảng Bàng) là người nghiện ma túy và đang điều trị bệnh tại cơ sở điều trị cai nghiện. Mặc dù đã có 1 tiền án nhưng Trung vẫn không tìm việc làm ổn định mà đi cướp giật lấy tài sản.
Trung khai, sau khi cướp giật thành công, Trung chạy vào các tuyến đường liên xã để cắt đuôi người đuổi theo. Thấy không còn ai truy đuổi, tưởng mình đã an toàn, Trung ghé vào quán nước để kiểm tra tài sản cướp giật được thì bị công an bắt giữ.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Gò Dầu tiếp tục điều tra
Điều 136. Tội cướp giật tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)