Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bắt giữ "trùm" ma túy nguy hiểm, 3 đặc nhiệm phơi nhiễm HIV

(DS&PL) -

Trong quá trình khống chế đối tượng buôn bán ma túy, 3 cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam bị dính máu của đối tượng nên phải uống thuốc phơi nhiễm HIV.

Trong quá trình khống chế đối tượng buôn bán ma túy, 3 cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam bị dính máu của đối tượng nên phải uống thuốc phơi nhiễm HIV.

Theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, rạng sáng 15/2, một tổ của Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam tuần tra gần cầu vượt ngã 4 Gò Mây (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) phát hiện 3 thanh niên nghi vấn nên áp sát.

Tại đây, các trinh sát bắt quả tang Trần Văn Thành (21 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đang bán ma túy cho Bùi Đặng Trường (36 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và Phạm Hoàng Mốp (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh).

Lúc này, Trường, người có 3 tiền án chống cự quyết liệt, lấy dao lam, tự cắt vào cổ mình làm chảy máu với định tự tử. Thanh niên này liền bị các trinh sát khống chế.

Tuy nhiên, trong quá trình khống chế, 3 trinh sát bị dính máu của Trường nên phải uống thuốc phơi nhiễm HIV.

Đối tượng Trường - Ảnh: Dân Việt

Sau đó, cả ba nghi can được di lý về trụ sở công an phường Bình Hưng Hòa B điều tra. Sau đó, Trường được đưa đến bệnh viện điều trị vết thương ở cổ.

Theo báo Vietnamnet, được biết, đối tượng Trường vốn là tội phạm cực kỳ nguy hiểm, có 3 tiền án.

Trinh sát hình sự Đặc nhiệm Hướng Nam xuống đường tuần tra làm nhiệm vụ - Ảnh: Vietnamnet

Cũng với chiến công của đội hình sự Đặc nhiệm Hướng Nam, thông tin thêm trên báo Công an TP HCM, sáng cùng ngày, một tổ đặc nhiệm hướng nam khác tuần tra trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận 8 phát hiện Hồ Văn Phiên (SN 1999, ngụ Q.8) chở theo một đối tượng khác với nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra và phát hiện chiếc xe trên mang biển số giả.

Qua đấu tranh, Phiên khai nhận từng có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản và 1 lần đi cai nghiện tập trung vừa về cách đây chưa lâu. Chiếc xe mà Phiên đang chạy là tang vật của một vụ cướp và được hắn dùng làm phương tiện cướp giật tiếp. Đối tượng này còn khai nhận đã thực hiện thành công 2 vụ trộm tài sản khác ở Q.8 và Q.7.

Hiện đội hình sự hướng Nam đã bàn giao các đối tượng cho công an địa phương tiếp tục điều tra xử lý.

Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy  năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;

h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;

i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;

k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;

l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;

m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ  hai mươi gam đến dưới một trăm gam;

n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;

o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;

p) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ  một trăm gam đến dưới ba trăm gam;

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm  năm mươi mililít đến dưới  bảy trăm năm mươi mililít;

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ  ba trăm gam trở lên;

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 136. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu  thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương  tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm  chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Tổng hợp

Tin nổi bật