Bị yêu cầu dừng xe kiểm tra vì gây tai nạn trong tình trạng say xỉn, nam thanh niên liền cầm mũ bảo hiểm tấn công khiến hai chiến sỹ bị thương.
Báo Trí thức trẻ dẫn nguồn tin từ Công an phường 1, quận Gò Vấp, TP HCM ngày 14/6 cho biết, đơn vị đang điều tra, xử lý Trần Tuấn Anh (24 tuổi, quê Tiền Giang) do có hành vi tấn công Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Đội Tuần tra – Dẫn Đoàn (Phòng PC67 Công an TP HCM) khi làm nhiệm vụ khiến 2 chiến sĩ bị thương.
Theo báo Tri thức trực tuyến, vào khuya ngày 13/6, một tổ CSGT thuộc Đội tuần tra dẫn đoàn (PC67, Công an TP.HCM) đang lập chốt, kiểm tra h ành chính kết hợp phòng chống đua xe trái phép tại giao lộ Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp).
Thanh niên cầm tờ giấy giống tiền đưa cho một chiến sĩ CSGT để mong bỏ qua. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Lúc này, tổ công tác phát hiện 2 thanh niên điều khiển xe máy mang biển kiếm soát tỉnh Long An có biểu hiện say xỉn, gây tai nạn với một người phụ nữ đang chờ đèn đỏ.
Ngay sau đó, cảnh sát đã ra hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra hành chính, đo nồng độ cồn đối với người cầm lái. Kết quả Tuấn Anh không mang theo bất kỳ giấy tờ xe, bằng lái xe và có nồng độ cồn vượt quá mức quy định (0.65 mg/lít khí thở).
Khi lực lượng chức năng đang tiến hành lập biên bản thì Tuấn Anh đưa tiền với mục đích mong bỏ qua lỗi nhưng bất thành.
Không được bỏ qua, thanh niên 24 tuổi đã lớn tiếng chửi bới. Khi một cảnh sát cơ động tên Nguyễn Trung Tài đưa phượng tiện lên xe chuyên dụng đã bị Tuấn Anh cầm nón bảo hiểm đánh mạnh vào tay. Thấy vậy, Thiếu tá CSGT Trương Tiến Sĩ liền đến can ngăn cũng bị “ma men” cầm nón bảo hiểm đập thẳng vào ngực, chấn thương.
Báo An ninh thủ đô thông tin thêm, trước tình hình diễn biến xấu đi, lực lượng Cảnh sát cơ động có mặt tại đây đã dùng biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ các đồng chí CSGT khống chế đối tượng.
Ngay sau đó, tổ công tác đã bàn giao đối tượng cho Công an phường 1, quận Gò Vấp, để lấy lời khai, làm rõ vụ việc, xử lý theo thẩm quyền.
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ (Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Phạm tội nhiều lần; C) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; D) Gây hậu quả nghiêm trọng; Đ) Tái phạm nguy hiểm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)