Guardian đưa tin, ngày 5/4, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 5 đối tượng bị buộc tội tiến hành hiến tế người, gần 4 năm sau khi một thi thể không đầu được phát hiện tại ngôi đền đạo Hindu ở phía Đông Bắc nước này.
Một người phụ nữ đã bị sát hại khi đến thăm ngôi đền ở thành phố Guwahati. Ảnh: Getty
Nạn nhân là bà Shanti Shaw (64 tuổi), bị sát hại sau khi đến viếng ngôi đền ở thành phố Guwahati, vào năm 2019. Vụ án rơi vào bế tắc cho tới khi nhà chức trách nhận diện được thi thể của người phụ nữ hồi tháng 1 vừa qua.
"5 người này đã lên kế hoạch giết hại nữ nạn nhân. Vụ giết người có tổng cộng 12 người tham gia", ông Diganta Barah - đại diện cảnh sát thành phố Guwahati cho biết.
Cũng theo ông Barah, kẻ cầm đầu là Pradeep Pathak (52 tuổi). Người này đã chỉ đạo vụ giết người nhằm phục vụ một nghi thức hiến tế trong ngày giỗ em trai.
“Bị cáo dường như tin rằng sự hiến tế sẽ xoa dịu linh hồn của người quá cố”, ông Barah nói, đồng thời cho biết cảnh sát vẫn đang truy tìm 7 đồng phạm còn lại.
Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia của Ấn Độ đã ghi nhận 103 trường hợp hiến tế người ở nước này, từ năm 2014 đến năm 2021. Các vụ việc như vậy thường được tiến hành với niềm tin rằng có thể “xoa dịu các vị thần” và xảy ra nhiều hơn ở nơi sinh sống của các bộ lạc hay vùng sâu, vùng xa - nơi niềm tin vào phù thủy và những điều huyền bí còn phổ biến.
Năm 2022, hai người đàn ông đã bị bắt vì cáo buộc sát hại một bé trai 6 tuổi ở thủ đô New Delhi. Các thủ phạm đều là công nhân xây dựng, khai với cảnh sát rằng họ sát hại đứa trẻ để làm vật hiến tế cho thần Shiva của đạo Hindu nhằm cầu xin sự giàu có.
Năm 2013, một đứa trẻ có tên Akash Singh đã bị sát hại dã man bởi một nhóm những người tin rằng việc hi sinh trẻ em có thể mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cùng năm, một người cha đã dùng rìu sát hại đứa con trai chỉ mới 8 tuổi của mình, khẳng định rằng “Nữ thần của thời gian, sự thay đổi và sự hủy diệt” yêu cầu ông ta làm điều này để mang lại “niềm vui cho các cặp vợ chồng không có con đã đến thăm đền của nữ thần”.
Mộc Miên (Theo Guardian)