Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bất động sản thương mại - Bao giờ “hồi sinh”?

(DS&PL) -

Thời chưa có “cô Vy”, nhà mặt phố luôn được người có nhu cầu thuê quan tâm đặc biệt tại khu vực phố cổ. “Mặt hàng” này thường xuyên trong tình trạng “cháy” hàng.

Thời chưa có “cô Vy”, nhà mặt phố luôn được người có nhu cầu thuê quan tâm đặc biệt tại khu vực phố cổ. “Mặt hàng” này thường xuyên trong tình trạng “cháy” hàng. Thế nhưng, cục diện đã thay đổi 180 độ khi hàng loạt các cửa hàng mặt phố phải treo biển cho thuê trong nhiều tháng nay.

Nhiều cửa hàng trên phố Kim Mã treo biển cho thuê nhưng vẫn chưa tìm được khách dù cho chủ nhà có thiện chí giảm giá.

Nhà treo biển đã lâu không thấy người đến thuê

Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 lên toàn cầu, thị trường BĐS Việt Nam gần như “bất động”. Đối với mặt hàng BĐS cho thuê, cảnh “vườn không nhà trống” ở những mặt bằng được cho là có vị trí đắc địa khu phố cổ khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Theo khảo sát của PV ĐS&PL trên các tuyến phố nổi tiếng có giá cho thuê mặt bằng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Lương Văn Can, Tràng Thi... hàng loạt các cửa hàng treo biển cho thuê, sang nhượng.

Anh Hưng là chủ sở hữu một cửa hàng trên mặt phố Hàng Bông. Trước dịch, anh cho thuê cửa hàng kinh doanh mặt hàng quần áo. Với mặt tiền khoảng 3m, sâu hơn 7m, cửa hàng “vừa xinh” để kinh doanh mặt hàng này. Anh Hưng chia sẻ: “Trước đây, tôi cho thuê với giá 20 triệu đồng/tháng cho cả cửa hàng hơn 20m2. Giá này cũng là “giá mềm” so với khu vực phố cổ. Trên Hàng Ngang – Hàng Đào, những cửa hàng như nhà tôi, giá thuê trăm triệu là chuyện bình thường”.

Sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động kinh doanh dần vận hành trở lại. Song đối với các cửa hàng bị trả mặt bằng trước dịch, mọi thứ vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Nếu như cửa hàng khu vực phố cổ được cho là “nặng đô” với các tiểu thương đang từng bước vực dậy sau dịch, thì nhiều cửa hàng trên mặt phố sầm uất như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Kim Mã... lại là một sự lựa chọn hợp lý tại thời điểm này. Thế nhưng, nhiều cửa hàng tại đây cũng rơi vào tình trạng “vườn không nhà trống”.

Trước tình hình khó khăn chung, chủ sở hữu cửa hàng 35m2 với 5m mặt tiền trên phố Kim Mã đã giảm giá thuê từ 42 triệu đồng xuống 35 triệu đồng nhưng chưa có “duyên” với khách. Qua chia sẻ có thể thấy chủ nhà rất có thiện chí, hiểu và thông cảm được với tình hình khó khăn chung của các tiểu thương sau dịch, chưa có khả năng hồi phục kinh tế.

Chị này không chỉ đưa ra mức giá đã giảm khi thuê nhà thời điểm này mà còn hứa sẽ giảm thêm nếu khách thuê có thiện chí và muốn làm ăn lâu dài: “Dịch bệnh là thứ không ai muốn, gia đình tôi khi không cho thuê được nhà cũng rơi vào tình trạng khó khăn nên thực sự bây giờ khách đến thuê sẽ được nhận ưu ái với giá “giúp đỡ nhau, thậm chí là giảm kịch sàn”.

Nhưng chị này cũng đánh giá, việc cho thuê của gia đình mình thời điểm này cũng sẽ không đơn giản và mất không ít thời gian để tìm khách. Ít nhất cũng phải 1-2 tháng nữa, sau khi các hoạt động buôn bán phục hồi dần dần thì cửa hàng của chị mới có cơ hội tìm được chủ.

“Liều thuốc hồi sinh” BĐS thương mại

Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng loạt các cửa hàng không có khách thuê, chuyên gia Hoàng Diệu Trang - Quản lý Cấp cao, bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội nhận định: “Thực tế này là kết quả của 2 nguyên nhân chính: Gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê”.

Bà Trang lấy ví dụ với những cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời trang phụ thuộc khá nhiều từ nguồn hàng ngoài nước, việc các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến họ.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch như nhà hàng, quán bar, khách sạn, spa, massage,... cũng phải đóng cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Điều này khiến các chủ cơ sở buộc phải tái cấu trúc, chọn ra những cửa hàng có doanh thu tốt và vẫn còn bán được để duy trì hoạt động. Hơn nữa, hoạt động cấm nhập cảnh với khách du lịch cũng “cắt đứt” nguồn cung của các dịch vụ này trên phố cổ.

Trả lời câu hỏi khi nào các BĐS thương mại có thể “hồi sinh”, bà Trang nhận định: “Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc các nước xung quanh kiểm soát dịch đến đâu, chứ không chỉ riêng việc kiểm soát dịch trong nước. Việc dự báo hoàn toàn phụ thuộc vào sự kiểm soát của khu vực. Nếu nguồn hàng và việc kiểm soát dịch bệnh ở các nước khác vẫn chưa đạt được mức độ an toàn tuyệt đối, BĐS vẫn sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian không thể tính theo ngày, mà theo tháng”.

Cần sự chia sẻ giữa người thuê và người cho thuê

"Để giải quyết khó khăn trước mắt đối với thị trường BĐS cho thuê cần phải có một số chính sách hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh như: Giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp tiền thuê mặt bằng từ 6 -12 tháng thì thị trường mới ổn định và vượt qua khó khăn trong khoảng thời gian này” - ông Nguyễn Văn Đính — Phó Chủ tịch Thuờng trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam.

THU TRANG - TUẤN LINH

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (19)

Tin nổi bật