Công an huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vừa ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối tượng cướp lợn, ép ký nợ hơn 3 tỷ đồng.
Báo Người đưa tin thông tin, ngày 14/2, cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Vị Xuyên đã thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Phạm Kiên Cường (SN 1973) trú tại phường Quang Trung, Tp. Hà Giang về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo tài liệu cơ quan điều tra, vào ngày 24/1 (tức 27 tết nguyên đán), Phạm Kiên Cường bán cho anh Hoàng Sần Quý (27 tuổi, trú tại thôn Vàng Chả Phìn, xã Cao Mã Pờ huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) 40 con lợn với tổng số tiền hơn 190 triệu đồng.
Xe ô tô chở 40 con lợn bị cướp - Ảnh: Báo VOV |
Sau khi thỏa thuận, mua bán xong, Hoàng Sần Quý chở hàng về dọc đường thì bị một xe ô tô 7 chỗ với nhiều thanh niên hung hăng chặn đường. Sau đó Cường xuất hiện, chỉ đạo đàn em lấy lại 40 con lợn và ép anh Quý ký vào một giấy nợ 3 tỷ đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, đồng bọn của Phạm Kiên Cường đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Báo điện từ VOV dẫn lời ông Lục Thế Hưng - Trưởng công an huyện Vị Xuyên cho biết: "Hiện tại công an huyện Vị Xuyên vẫn đang tiến hành điều tra và xác minh vụ việc. Bước đầu chúng tôi đã bắt giữ đối tượng để phục vụ điều tra, có thể nói về vụ việc này chúng tôi đã tiến hành rất quyết liệt".
Hiện vụ án đang được Công an huyện Vị Xuyên tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp