Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bất chấp trừng phạt, Triều Tiên xuất khẩu than sang Hàn Quốc và Nhật Bản qua Nga

(DS&PL) -

Reuters dẫn nguồn tin tình báo cho hay Triều Tiên đã vận chuyển than sang Nga vào năm 2017, sau đó chuyển cho Hàn Quốc và Nhật Bản, bất chấp lệnh trừng phạt của LHQ.

Reuters dẫn nguồn tin tình báo cho hay Triều Tiên đã vận chuyển than sang Nga vào năm 2017, sau đó chuyển cho Hàn Quốc và Nhật Bản, bất chấp lệnh trừng phạt của LHQ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than vào ngày 5/8/2017 dưới hình thức trừng phạt. Động thái này nhằm cắt đứt nguồn ngoại hối quan trọng của Bình Nhưỡng, từ đó gây áp lực lên chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn có ít nhất 3 lần chính quyền ông Kim Jong-un vận chuyển than đến các cảng Nakhodka và Kholmsk của Nga - nơi than đá được dỡ xuống bến tàu rồi tiếp tục đưa lên tàu đến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Triều Tiên vẫn xuất khẩu than sang Hàn Quốc, Nhật Bản qua điểm trung chuyển là cảng tàu của Nga? Ảnh: Reuters

Tình báo của phương Tây tiết lộ với Reuters rằng một số hàng hoá đã tới Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 10/2017. Trong khi đó, một nguồn tin an ninh của Mỹ cũng xác nhận việc buôn bán than thông qua Nga và cho biết họ vẫn tiếp tục. "Cảng Nakhodka của Nga đang trở thành điểm trung chuyển than của Triều tiên", nguồn tin khẳng định.

Reuters sau đó đã gửi yêu cầu xác nhận thông tin cho Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 8/1/2018, cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Trước đó, đại sứ Nga tại LHQ đã khẳng định với Ủy ban Trừng phạt Hội đồng Bảo an vào ngày 3/11/2017 rằng Moscow đã và đang tuân thủ các biện pháp trừng phạt.

Hai luật sư chuyên về luật trừng phạt nói với Reuters rằng có vẻ như các giao dịch than đá của Triều Tiên thông qua Nga vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ.

Trên thực tế, Reuters không thể kiểm tra độc lập việc than đá được dỡ xuống tại bến tàu của Nga có phải là than đá sau đó được vận chuyển sang Hàn Quốc và Nhật Bản hay không. Ngoài ra, rất có thể ngay cả các chủ sở hữu tàu thuyền đi từ Nga đến Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không biết nguồn gốc của than.

Chủ sở hữu tàu vận chuyển than từ Nga sang Hàn Quốc, Nhật Bản có thể không biết nguồn gốc của than đến từ đâu. Ảnh: Reuters

Hôm 24/1 vừa qua, Kho bạc Mỹ đã xử phạt chủ tàu UAL Ji Bong 6 với cáo buộc vận chuyển than Triều Tiên tới cảng Kholmsk của Nga vào ngày 5/9/2017.

Hoạt động xuất khẩu than của Triều Tiên ban đầu bị hạn chế theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 2016, yêu cầu các quốc gia phải báo cáo hàng tháng về trữ lượng than nhập khẩu từ Triều Tiên. Các nhà ngoại giao, nói với điều kiện giấu tên, cho biết sau đó Nga đã không báo cáo bất kỳ lượng nhập khẩu than nào từ Triều Tiên.

Một hội đồng độc lập của các chuyên gia đã báo cáo lên Hội đồng Bảo an vào ngày 5/9/2017 rằng Triều Tiên đã "cố ý sử dụng các kênh gián tiếp để xuất khẩu các hàng hoá bị cấm, trốn tránh các biện pháp chế tài". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 17/1 rằng Nga đang giúp Bình Nhưỡng né tránh các biện pháp trừng phạt.

Khi được hỏi về chuyến hàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Rõ ràng Nga cần làm nhiều hơn nữa. Tất cả các nước thành viên LHQ, bao gồm cả Nga, đều phải thực hiện các nghị quyết trừng phạt với thiện chí và chúng tôi hy vọng tất cả họ sẽ làm như vậy". Trong khi đó, Nhà Trắng không lập tức đáp ứng yêu cầu bình luận.

Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng trước đó kiên quyết không từ bỏ việc phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng bắn tới lục địa Mỹ. Chính quyền ông Kim Jong-un cũng cáo buộc các biện pháp trừng phạt vi phạm chủ quyền và buộc tội Mỹ muốn cô lập đất nước của họ.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Reuters, Independent)

Tin nổi bật