Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bắt "cặp đôi" hacker lừa đảo gần 100 triệu đồng qua mạng

(DS&PL) -

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội vừa bắt giữ 2 đối tượng có hành vi dùng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản.

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội vừa bắt giữ 2 đối tượng có hành vi dùng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản.

Theo tin tức đăng tải trên báo Công an nhân dân, ngày 3/3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, vừa phối hợp Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng Nguyễn Quang Tuấn (33 tuổi), trú tại Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội) và Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), trú tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật hình sự.

Trước đó, Đội 6 PC50, nhận được đơn trình báo của anh Ngô Đình Cương về việc bị đối tượng vào tài khoản cá nhân ở ngân hàng chiếm đoạt tiền…

Ngay sau đó, các trinh sát của Đội 6 đã tiến hành điều tra, xác minh. Tuy nhiên, các anh gặp nhiều khó khăn do bản thân Nguyễn Quang Tuấn là người am hiểu công nghệ thông tin nên sau khi chiếm đoạt tiền của bị hại đã xóa mọi dấu vết.

Sau thời gian dài đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 2/2017, Đội 6 đã truy ra địa chỉ IP của đường truyền Internet mà Nguyễn Quang Tuấn sử dụng thực hiện hành vi phạm tội, tạm giữ các phương tiện như máy tính xách tay, điện thoại di động của các đối tượng.

Hai đối tượng tại cơ quan Công an (Ảnh: báo An ninh thủ đô)

Liên quan đến vụ việc, báo An ninh Thủ đô thông tin thêm, qua quá trình điều tra, 2 đối tượng khai nhận: Trong thời gian học tại đây, Tuấn Anh được Tuấn hướng dẫn cách thức sử dụng phần mềm Keylogger (phần mềm tự thu thập thông tin trên máy tính). Sau khi đạt trình độ nhất định, Tuấn Anh tán phát phần mềm này lên mạng Internet để thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng máy tính. Thấy vấn đề này dễ dàng thực hiện, lại có nguồn thông tin cá nhân đa dạng, Tuấn Anh đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.

21h ngày 15/9, sau khi thu thập trái phép thông tin truy cập Internet Banking của chủ tài khoản ngân hàng của anh Ngô Đình C. Nhận thấy trong tài khoản có tiền, Tuấn Anh đã mang thông tin về cho Tuấn để hai thày trò cùng nhau dò tìm mật khẩu trên thư điện tử của nạn nhân và đây là thư điện tử dùng để nhận mã OTP, xác nhận giao dịch cho tài khoản ngân hàng nơi anh C. gửi tiền.

Từ các thông tin trên, cộng với khả năng sử dụng mạng máy tính rất thành thục, Tuấn và Tuấn Anh đã nghiên cứu, xâm nhập được vào thư điện tử nói trên. Sau đó, bộ đôi thày trò có tính gian này đã lập ra 2 tài khoản trên trang bitcoin… và tự truy cập vào các tài khoản để đặt 2 lệnh theo mã riêng do các đối tượng đặt ra, nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền của chủ nhân tài khoản thông qua hình thức mua bitcoin.

Sau đó, Tuấn đã truy cập vào tài khoản của anh C. trong internet Banking và tự ý chuyển số tiền 90 triệu đồng sang tài khoản Ngân hàng bitcoin.

Khi bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận sau khi chiếm đoạt số tiền 90 triệu đồng trong tài khoản của anh C., nhóm này đã chuyển mua bitcoin và bán bitcoin được 82 triệu đồng và được khách trả qua thẻ ATM do Tuấn làm chủ tài khoản.

Điều 174 Bộ luật hình sự 2015

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật