Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bất an với động đất

(DS&PL) -

Mặc dù không nằm trong dải đứt gãy của châu lục, mảng địa chất với những vành đai động đất và núi lửa phun trào nhưng có một thực tế, ở Việt Nam thời gian vừa qua.

Mặc dù không nằm trong dải đứt gãy của châu lục, mảng địa chất với những vành đai động đất và núi lửa phun trào nhưng có một thực tế, ở Việt Nam thời gian vừa qua, những trận động đất và dư chấn của nó đã xảy ra ngày một nhiều hơn.đặc biệt ở gần khu vực những đập thủy điện, nơi có sự đứt gãy của dải địa tầng khiến người dân sinh sống quanh khu vực đó tỏ ra vô cùng bất an. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để giảm thiểu hoặc ngăn chặn những cơn thịnh nộ của thiên nhiên có thể dẫn tới hậu quả kinh hoàng này?
Động đất nhẹ, nỗi lo lớn
Theo những chuyên gia địa chất học thuộc Viện Vật lý Địa cầu, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì động đất ở nước ta ngày càng xuất hiện nhiều hơn nhưng cường độ của các trận động đất này nhẹ hơn những trận động đất từng được ghi nhận ở Việt Nam. Cụ thể, lịch sử động đất nước ta từng thống kê, vào năm 1935, tại Điện Biên đã xảy ra trận động đất với cường độ lên tới 6,75 độ rich-te với nguyên nhân là do sự đứt gãy của đới sông Mã. Sau đó, tới năm 1983 là trận động đất với cường độ 6,8 độ rich-te ở Tuần Giáo có nguyên nhân chính là do sự đứt gãy của tầng địa chất ở khu vực Sơn La - Tuần Giáo này. Bên cạnh đó, ở vùng biển ngoài khơi Phan Thiết vào năm 1923 cũng ghi nhận có một trận động đất khoảng 6,1 độ rich-te. Đáng nói hơn cả là trận động đất ở ngoài biển này còn dẫn tới hiện tượng phun trào núi lửa ở đảo Hòn Choi. Tuy nhiên, dù xảy ra ở vùng biển gần bờ nhưng trận động đất đó lại không có ghi nhận của sự xuất hiện sóng thần, một điều rất dễ xảy ra sau mỗi trận động đất lớn ngoài biển. Những ghi nhận này cũng cho biết, các trận động đất trên đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng thiệt hại người và của là không nhiều. Cá biệt, trận động đất năm 1983 ở Tuần Giáo còn mang cả dư chấn tới tận thủ đô Hà Nội với sự rung lắc của những tòa nhà. Tuy nhiên, ngày đó ở Hà Nội chưa có nhiều công trình nhà cao tầng nên không có ảnh hưởng nào đáng kể.
Mặc dù vậy, điều làm nhiều người lo lắng là gần đây, số trận động đất ở Việt Nam đã xảy ra ngày một nhiều hơn. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay đã có hàng chục trận động đất, với cường độ nhẹ xảy ra ở các địa phương như Mường Lay-Bắc Yên, Cao Bằng-Tiên Yên…đều nằm trên dãy đứt gãy của sông Mã, sông Cả…Tuy nhiên, hầu hết các trận động đất này đều có cường độ nhỏ, chỉ gây ra những dư chấn nhưng chưa ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua tại một số địa phương như Sơn La, Quảng Nam đã xảy ra một số trận động đất. Cường độ của nó chỉ khoảng từ 3,5 đến 4,2 độ rich-te nhưng cũng gây lên khá nhiều nỗi lo lắng, bất an đối với những người dân sinh sống quanh khu vực này. Nguyên nhân của những trận động đất này, như ở Bắc Trà My (Quảng Nam), ban đầu được xác định là do sự ảnh hưởng của những đập thủy điện được xây dựng chắn ngang dòng sông Tranh này. Tuy nhiên, theo Trung tâm Báo tin và cảnh báo động đất sóng thần, thuộc Viện Vật lý Địa cầu thì những trận động đất này là động đất yếu, thường là dư chấn, không có khả năng gây thiệt hại cho người dân cũng như những công trình xây dựng khác. Độ sâu tâm chấn của nó cách mặt đất chừng 5 km, nằm trên dải đứt gãy của đới dòng sông này. Ngoài ra, cũng theo Trung tâm này, ngay trong tháng bảy vừa qua, tại khu vực Sơn La-Điện Biên cũng đã xảy ra liên tiếp một số trận động đất, cường độ cao nhất lên đến 4,3 độ rich-te. Theo đó, trận động đất này có tâm chấn nằm sâu tới 9km trong lòng đất, ảnh hưởng của nó khiến một số khu vực ở thành phố Hà Nội cũng cảm nhận được sự rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, nó chưa gây thiệt hại về người và của. Về cơ bản, đó là hệ quả của những chuyển động khách quan của các lớp địa tầng trong lòng trái đất, không phụ thuộc vào nguyên nhân chủ quan của con người. Những trận động đất này về cơ bản là không gây thiệt hại nhưng lại làm nhiều người dân sống quanh khu vực tâm chấn cảm thấy bất an, lo lắng và làm xáo trộn những hoạt động xã hội khác.
Mọi người cần cảnh giác
Mặc dù những trận động đất ở nước ta từng được ghi nhận đều không gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản nhưng có thể nhận thấy rằng, với sự biến đổi ngày càng bất thường của thiên nhiên, chúng ta không thể coi thường những hậu quả của các trận động đất có thể xảy ra, vì rất nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Đặc biệt, nếu có xảy ra những trận động đất ở ngoài khơi vùng biển Việt Nam như trong quá khứ thì rất có thể sẽ xảy ra thảm họa sóng thần, như một số nước trong khu vực từng hứng chịu. Vì vậy, công tác dự báo, đo lường, nghiên cứu về động đất, sóng thần cần phải được hoàn thiện và chính xác, kịp thời nhất có thể. Theo đó, thời gian qua, Viện Vật lý Địa cầu đã xây dựng hơn 10 trạm, và trong vài năm tới sẽ có khoảng 30 trạm dự báo, cảnh báo động đất sóng thần trên cả nước, chủ yếu đặt tại các khu vực nhạy cảm, đã từng và có nguy cơ xảy ra động đất để ghi nhận, kịp thời có những dự báo và hướng giải quyết nếu động đất xảy ra. Ngoài ra, việc tổng kết các số liệu, dữ liệu ghi được, các trung tâm này cũng kết hợp với nghiên cứu của các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để có sự liên hệ, tổng kết các thảm họa động đất và cả sóng thần bởi nước ta có đường bờ biển dài, động đất ngoài khơi rất dễ đi liền với sóng thần nên chúng ta cần có những phương án cụ thể để ứng phó với thảm họa ở tình huống xấu nhất nếu nó xảy ra.
Ngoài ra, các chuyên gia nghiên cứu về động đất cũng cho biết, mặc dù đây là sự biến đổi thiên nhiên nhưng con người với những tác động của mình, cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, xuất hiện và diễn biến của những trận động đất này. Trong đó, các công trình thủy điện được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất đến động đất. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là các đập thủy điện thường được xây dựng ở những khu vực có địa hình chênh lệch, nhằm lợi dụng công suất tự nhiên của dòng nước. Tuy nhiên, ở những nơi có địa hình chênh lệch thì thường có sự đứt gãy của các mảng địa tầng trong lòng đất, do từ xa xưa nó có sự dịch chuyển, nâng lên hay hạ xuống của những mảng địa chất. Chính vì thế, khi xây dựng những đập thủy điện, áp lực của hồ chứa nước, nơi có sức nặng hàng triệu mét khối nước sẽ tác động lên sự đứt gãy này, dễ gây ra những biến động khác. Đó cũng chính là nguyên nhân mà ở nhiều các đập thủy điện, cả ở Việt Nam và trên thế giới thường xảy ra các dư chấn, các sự rung chấn hay những trận động đất có cường độ nhỏ. Vì thế, ngoài những nghiên cứu cần thiết cho xây dựng, các chuyên gia cần có những nghiên cứu thích hợp về sự tác động của con người đối với tự nhiên và hướng xử lý cũng như thay đổi.
Còn về phía người dân, mọi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, học hỏi những kỹ năng cần thiết. Cụ thể, nếu khi có động đất xảy ra, mọi người cần nhanh chóng tìm cho mình những nơi trú ẩn an toàn. Nếu đang ở trong nhà thì nên tìm những nơi như gầm bàn, gầm ghế còn nếu ở ngoài trời, cần thiết nhất là tránh các khu vực nhà cao tầng. Riêng đối với cảnh báo về sóng thần, nếu có hiện tượng này xảy ra thì người dân cần tìm cách di chuyển càng xa khu vực bờ biển càng tốt. Bên cạnh đó, tìm những nơi cao ráo để trú ẩn an toàn cũng là ưu tiên cần thiết nhất. Đó chính là những điều cơ bản nhất để đối phó với động đất, sóng thần nếu chẳng may gặp phải.
Đoàn Đại Trí
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
 HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com  

Tin nổi bật