Bị truy đuổi vì cướp điện thoại, 2 đối tượng đã dùng ná thun bắn trả hòng trốn thoát song vẫn bị bắt gọn.
Chiều 22/5, trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến, thiếu tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, cho biết đã bàn giao 2 tên cướp giật cho Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xử lý theo thẩm quyền.
Theo vị trưởng công an thị trấn, vụ việc xảy ra chiều 22/5 dưới dốc cầu Nguyễn Trung Trực ở Dương Đông. Lúc đó ông Chánh đang bàn công việc với lực lượng của trung đoàn cảnh sát cơ động.
"Hai tên cướp giật chạy ngang qua và có người tri hô nên chúng tôi đuổi theo. Rượt đuổi khoảng 2 km thì cảnh sát với người dân vây bắt được hai nghi can ở khu vực gần sân bay cũ", ông Chánh chia sẻ.
Đối tượng Vinh (bên phải) và Linh (bên trái) tại cơ quan điều tra - Ảnh: Dân Trí |
Liên quan đến vụ việc, thông tin thêm trên báo VOV, danh tính 2 đối tượng cướp giật là Nguyễn Văn Vinh (SN 1974, quê quán huyện Củ Chi, TP HCM) và Nguyễn Vũ Linh (chưa rõ năm sinh, quê ở ấp Xẻo Lùng –xã Hòa Thuận, huyện Giồng Giềng, tỉnh Kiên Giang).
Tại Cơ quan Công an huyện Phú Quốc, 2 đối tượng khai đang làm công nhân trồng cây xanh và thuê nhà trọ ở ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn. Do thiếu tiền tiêu xài, 2 đối tượng đã nảy sinh ý định cướp giật tài sản.
Riêng đối tượng Vinh khai nhận có sử dụng ma túy. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Quốc đã trao trả điện thoại cho nạn nhân, tiếp tục khám nơi ở của 2 đối tượng và mở rộng điều tra vụ án.
Cũng theo báo VOV, trong quá trình bị truy đuổi, Linh đã dùng ná thun bắn chống trả lại, tuy nhiên vẫn bị tóm gọn.
Điều 136. Tội cướp giật tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp