(ĐSPL) - Chiến sự đột nhiên bùng phát khốc liệt buộc Mỹ và phương Tây phải can thiệp, mặc dù không muốn một lần nữa “sa lầy ở Iraq”.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn một lần nữa sa vào "vũng lầy Iraq” |
Báo Pháp Le Monde số ra ngày 11/08 đã đăng ảnh lớn chiếc hàng không mẫu hạm George H-W Bush với máy bay cất cánh đi oanh kích lực lượng thánh chiến “Nhà nuớc Hồi giáo” (IS) trang nhất, bên trên câu nói của Tang thống Obama “Sẽ không để hình thành một vương quốc Hồi giáo ở Syria và Iraq”. Ở trang sự kiện bên trong, báo Le Monde đăng dòng tít “Barack Obama trở lại vũng lầy Iraq”.
Theo Le Monde, từ khi cho quân đội Mỹ mở lại chiến dịch ở Iraq, câu hỏi đặt ra với chính quyền Obama là làm thế nào gây sức ép mạnh mà không bị sa lầy. Về vấn đề này, Le Figaro nhận thấy rằng đây là “con đường chật hẹp” (tít của bài xã luận đăng trên trang nhất).
Báo Le Figaro ghi nhận trước tiên là liên minh quốc tế mà Mỹ đã không thiết lập được trước khi tấn công chiếm Iraq vào năm 2003, nay đang hình thành một cách tự nhiên để cứu giúp người Thiên chúa giáo Iraq chạy nạn. Pháp đã không hưởng ứng lời kêu gọi của George W Bush cách đây 13 năm, lần này đã chủ động vận động Liên Hợp Quốc và cử ngay Ngoại trưởng Fabius đến Iraq.
Đến giờ các nước chỉ mới đặt ra vấn đề trợ giúp nhân đạo. Tuy vậy, khả năng can thiệp quân sự, dù chưa được chính thức nêu lên, sẽ không khỏi đặt ra một khi các cuộc oanh kích “với mục tiêu chọn lọc” của Mỹ cho thấy giới hạn của nó.
Theo Le Figaro, quy mô can thiệp là khó lường. Báo này so sánh: Ở Libya, Pháp và Anh đã mất nhiều tuần lễ oanh kích ồ ạt lực lượng của ông Khadafi. Bây giờ phải oanh kích như thế nào để cản trở kế hoạch của một “Vương quốc Hồi giáo” được võ trang cực kỳ hùng hậu và trên một địa thế rất phức tạp?
|
Hàng không mẫu hạm USS George H W Bush đang lao vào cuộc chiến phức tạp, khôn lường mới ở Iraq. |
Tờ báo cho rằng ai cũng thấy rõ là một cuộc chiến mới đang bắt đầu ở Iraq và trong một bối cảnh phức tạp, làm cho công việc của phương Tây thêm khó khăn: Họ hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Kurdistan và Bagdad, trong lúc Israel tiếp tục chiến dịch “càn quét” Hamas ở dải Gaza, gây nên nhiều thiệt hại nhân mạng nhưng không gặp trở ngại gì, bất quá là một sự quở trách về nguyên tắc của quốc tế.
Trong khi đó, Nga cũng đang nêu lên vấn đề ‘trợ giúp nhân đạo’ khẩn cấp ở đông Ukraina, để cứu trợ người ly khai thân Nga bị bao vây và ném bom ở Donetsk.
Le Figaro nhắc lại Barack Obama bác bỏ mọi so sánh, nhưng nhìn thấy “yếu tố Putin” chỉ để lại một “con đường hẹp” cho Mỹ và Châu Âu ở Iraq.