Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 6h ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới ít di chuyển.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km, đi vào đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 06 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Ở vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh.
Trong sáng nay (12/9), vùng ven biển khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh trên có gió giật cấp 7.
Ngày hôm nay (12/9), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm; các tỉnh Bình Định và Gia Lai, Kon Tum có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Bạch Hiền