Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 5 (Conson) trên Biển Đông duy trì sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 trong suốt những giờ qua. Vào lúc 16h ngày 9/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 450 km về phía Đông Đông Nam.
Dự báo trong đêm nay và ngày mai, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, vận tốc 15 km/h và khả năng mạnh thêm.
Chiều 10/9, tâm bão nằm ngay trên vùng biển phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Như vậy, bão khả năng tăng cấp khá nhanh trong những giờ tới.
Bão Conson sau đó giữ nguyên hướng đi nhưng giảm vận tốc xuống còn 5-10 km/h và tiếp tục mạnh lên. Đến chiều 11/9, khi tâm bão nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất đạt cấp 11, giật cấp 13.
Sau đó, bão sẽ đổi hướng đi chếch theo hướng Tây Tây Bắc, vận tốc 5-10km/h. Đến chiều 12/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230 km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió duy trì cấp 11.
Dự báo hướng di chuyển của bão số 5 trên Biển Đông trong những ngày tới. Ảnh: VNDMS
Theo bản đồ dự báo, sau khi quét qua phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cơn bão có xu hướng đi chậm lại và dần suy yếu. Đến chiều 13/9, khi tiến gần vào vịnh Bắc Bộ, vùng gần tâm bão chỉ còn mạnh 83 km/h, tương đương cấp 9.
Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, do sự tương tác với cơn bão Chanthu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines, các mô hình dự báo của bão Conson trên Biển Đông đang bị phân tán.
Trước mắt, chuyên gia dự báo bão Conson khả năng di chuyển chậm lại sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, gây mưa to và sóng lớn cho khu vực này trong khoảng 2 ngày 11-12/9.
Sau khi xem xét nhiều mô hình dự báo cho bão Conson, cơ quan khí tượng nhận định kịch bản dễ xảy ra nhất là bão sẽ đi vào khu vực phía Nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó di chuyển vào vịnh Bắc Bộ.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,5 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 118,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Hoa Vũ (T/h)