Báo Người Lao Động đưa tin ngày 8/9, tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh) có khoảng 23 tàu du lịch bị chìm sau khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ, nhiều nhất là tại âu neo đậu số 2 của cảng. Trong buổi sáng, nhiều chủ tàu và nhân viên có mặt tại khu vực cảng Tuần Châu để trục vớt đồ đạc.
Ông N.Đ.Tr. (42 tuổi, chủ đội tàu du lịch B.T.) là một trong những chủ tàu thiệt hại nhiều nhất. Theo lời ông Tr., mặc dù trước đó đã cho nhân viên chằng néo các tàu lại với nhau rất cẩn thận để giảm thiệt hại nhưng cơn bão số 3 quá mạnh đã làm 6 tàu du lịch của ông bị chìm.
Hình ảnh tàu du lịch bị chìm trong âu neo đậu. Ảnh: Người Lao Động
"Tôi có 6 tàu bị chìm, ước tính thiệt hại mỗi chiếc khoảng 2 tỷ đồng. Riêng việc trục vớt đã phải chi mỗi chiếc 100 triệu đồng, chưa tính tiền sửa chữa. Để hoạt động lại được cũng phải mất 1 tháng", ông Tr. Nói, đồng thời cho hay việc khó khăn nhất lúc này là tìm vớt các loại giấy tờ quan trọng của tàu và thuyền viên.
Trong khi đó, thuyền viên N.V.T kể lại: "Chiều qua, khi cơn bão số 3 càn quét khu vực này, tôi có mặt trên thuyền để trông giữ tài sản. Sóng lớn, gió to, thuyền xô nhau chòng chành. Khi đó, gió rít rất mạnh khiến tôi sợ hãi. Vào thời điểm tàu bị đánh chìm, tôi và những người trông thuyền lân cận phải bỏ lại để chạy lên bờ".
Theo VnExpress, cảng Tuần Châu là một trong ba bến cảng được phép đón trả khách du lịch tham quan trên vịnh Hạ Long, diện tích hơn 1,7 triệu m2 và sức chứa trên 2.000 tàu. Đây cũng là nơi đặt nhà chờ của nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du thuyền ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ.
Được biết, chi phí đóng tàu du lịch chở khách tham quan vịnh trong ngày thường khoảng 2 tỷ đồng, tàu ngủ đêm, vỏ thép khoảng 35 tỷ đồng. Ông D.A - chủ 5 tàu du lịch hoạt động trên vịnh Lan Hạ, ước tính ban đầu đơn vị ông bị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
"May mắn tàu không chìm nhưng hệ thống cầu tàu, nhà chờ, kho bãi và các vật dụng phục vụ du lịch bị bão san thành bình địa", ông nói. Được biết, trước khi Hải Phòng có lệnh cấm biển, ông đã đưa hết tàu về bến, hủy tour của khách, để có chỗ neo đậu an toàn.
Khung cảnh bên ngoài một khách sạn ở Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: VnExpress
Theo chia sẻ của CEO một đơn vị kinh doanh du thuyền trên vịnh Lan Hạ, hai xuồng chở khách từ cảng ra tàu lớn bị chìm, cần trục vớt để sửa chữa. Tàu du lịch chở khách ngủ đêm của đơn vị cũng bị gió bão đánh va đập nhưng cơ bản vẫn hoạt động được.
Đại diện đơn vị này đồng thời chia sẻ, do cột sóng viễn thông bị đổ nên nhiều chủ tàu mất liên lạc với thuyền viên, công tác thống kê thiệt hại còn khó khăn.