Bão số 13 được dự báo có tới 80% sẽ suy yếu và tan đi trên biển. Tuy nhiên, hoàn lưu bão số 13 sẽ gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung.
Sáng 11/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn, triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 13.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thanh Mai, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão số 13 hiện rất phức tạp. Sáng 11/11, bão số 13 di chuyển theo hướng tây tây bắc, dự báo chiều và đêm cùng ngày, bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất với gió cấp 9. Trong khoảng 24-48 giờ tới, bão sẽ đổi hướng, di chuyển chậm lại theo hướng tây tây bắc và suy yếu xuống cấp 8- cấp 9. Trong khoảng 48 - 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khả năng 80 % bão sẽ suy yếu và tan đi trên biển và 20 % còn lại sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế ở mức áp thấp nhiệt đới cấp 6.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai. Ảnh: Dân Trí |
Trong khoảng từ ngày 13-16/11, một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, khi kết hợp với hoàn lưu của áp thấp suy yếu từ bão số 13 sẽ gây mưa vừa, mưa to ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 13. Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lưu ý, rút kinh nghiệm trong ứng phó với bão số 12 vừa qua, các địa phương cần phối hợp tốt với các lực lượng biên phòng khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi an toàn.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo theo dõi sát diễn biến bão số 13, đôn đốc và phối hợp với các địa phương nhanh chóng thông tin và hướng dẫn cho 96 tàu, thuyền, với 754 lao động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Khu vực Trung bộ và Tây nguyên đã có mưa lớn trong bão số 12, hầu hết các hồ đã đầy nước và mưa từ 100 - 200 mm đã có thể gây ra các tình huống nguy hiểm cho các hồ chứa xung yếu.
Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phải đôn đốc các địa phương trong khu vực này đặc biệt cảnh giác, kiểm tra toàn bộ các công trình xung yếu, có biện pháp xử lý để vận hành đảm bảo an toàn cho người dân vùng dạ du.
Hoàng Yên (T/h)