Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề nhất về sinh mạng

(DS&PL) -

Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề nhất về sinh mạng với 91 người chết, 23 người mất tích so với các cơn bão khác đổ bộ vào nước ta thời gian gần đây.

Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề nhất về sinh mạng với 91 người chết, 23 người mất tích so với các cơn bão khác đổ bộ vào nước ta thời gian gần đây.

Thiệt hại nặng nề về sinh mạng

Ngày 9/11, Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị về công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai, tính đến 19h ngày 8/11, số người chết đã tăng lên 91 người, trong đó Khánh Hòa có số người chết cao nhất là 43 người.

Số người mất tích tính đến thời điểm thống kê tăng lên 23 người, trong đó nhiều nhất là Quảng Nam (10 người).

So với hai cơn bão gần đây là, bão số 10 (có 6 người chết và 37 người bị thương) và bão số 11 (có 72 người chết, 33 người bị thương), thì cơn bão số 12 đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề nhất về sinh mạng tính đến thời điểm này trong năm 2017. 

Bên cạnh đó, về vật chất, bão số 12 cũng làm 1.486 nhà đổ và sập trong đó tỉnh Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 993 nhà.

Tỉnh này cũng có số lượng nhà hư hỏng và tốc mái cao nhất với 119.361 nhà.

Cơn bão cũng đã làm thiệt hại ở các tỉnh hơn 9.350 ha lúa, trên 15.203 ha diện tích rau và hoa màu bị ngập, 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị mất trắng và 1.294 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng.

Nhiều tuyến Quốc lộ bị sạt lở và ngập sâu gây ách tắc giao thông. Đặc biệt Quốc lộ 49 và 27 C đến ngày 8/11 vẫn chưa thông tuyến.

Đường sắt có 9 điểm từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa bị sự cố, phải phong tỏa, gián đoạn vận chuyển khác trong đó Hảo Sơn - Đại Lãnh chưa thông tuyến. Hàng không có 60 chuyến bay bị hủy, 30 chuyến bay bị chậm giờ. Mưa lũ gây ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh khu vực miền Trung.

Đại diện Bộ Quốc Phòng báo cáo tại Hội nghị.

Thiệt hại nặng nề do bão một phần vì chủ quan

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đợt bão số 12 vừa qua, lượng mưa đã đổ xuống khu vực miền Trung khoảng 19 tỷ m3 nước, các hồ thủy lợi đã cắt lũ được 12 tỷ m3 nước. Nếu không có các hồ thủy lợi này sẽ rất nguy hiểm cho khu vực hạ du, tuy nhiên ảnh hưởng của bão lũ vẫn hết sức nặng nề, cần khẩn trương khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, nguy cơ dịch bệnh, an ninh các hồ chứa các đập thủy điện vẫn đang là vấn đề rất đáng lo ngại vì vậy cần tăng cường công tác rà soát kiểm tra mức độ an toàn của các hồ chứa và chủ động lên kế hoạch đối phó khắc phục hậu quả và tái thiết sau đó.

"Chúng ta còn vài ngày thời tiết thuận lợi để khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra. Đến khoảng ngày 14-15/11, theo như dự báo, nếu kịch bản xấu thì sẽ có bão số 13 vào đất liền nước ta, nhưng chúng ta hy vọng bão này sẽ suy yếu thành áp thấp ngay trên Biển Đông. Do đó, thời gian này, các đơn vị liên quan cần tập trung rà soát các hồ thủy lợi, thủy điện. Vừa qua các hồ này tham gia cắt lũ rất tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao”, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Hội nghị cũng đưa ra ý kiến chỉ đạo khắc phục hậu quả, từ cấp Trung ương đây là cơn bão rất mạnh, gây thiệt hại lớn về người và tàu thuyền, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả của bão. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Công điện chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa lũ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão lũ tại tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, họp trực tuyến (10 tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận) để chỉ đạo bổ sung các giải pháp khẩn cấp công tác ứng phó với bão số 12. 

Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã triển khai quyết liệt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của bão, các cơ quan thông tấn báo chí đã tăng cường thông tin tuyên truyền. 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã biểu dương tinh thần chủ động chỉ đạo ứng phó với bão số 12 của các Bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bão số 12 đổ bộ vào khu vực ít xảy ra bão lũ, nên người dân và chính quyền cơ sở có phần chủ quan, chưa có kinh nghiệm ứng phó nên đã gây ra những hậu quả nặng nề như vậy.  

Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, khẩn trương triển khai công tác cứu trợ bà con vùng lũ, đảm bảo không để người dân nào bị đói, rét và dịch bệnh.

Tin nổi bật