Sáng ngày 30/10, bão Nalgae đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2022.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới bão số 7 có xu hướng mạnh dần lên.
Theo chuyên gia, trên Biển Đông, bão Nalgae sẽ chịu tác động tương tác với không khí lạnh. Đồng thời trên các tầng khí quyển độ cao 3.000-5.000m, bão chịu sự chi phối của 2 khối khí áp cao cận nhiệt đới, nhánh phía đông và phía tây.
"Chính vì vậy, hướng di chuyển của bão còn có nhiều biến động", Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời nhận định của cơ quan khí tượng.
Dự báo đường đi của bão Nalgae. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Hiện, các kịch bản đưa ra đều cho thấy bão nhiều khả năng đi theo hướng bắc tây bắc và bắc, tương tác với không khí lạnh. Do đó, hình thái này khó tiến sâu vào Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Ngày và đêm 31/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 13; biển động dữ dội, sóng biển cao từ 6,0-8,0m, vùng gần tâm bão 9,0-11,0m.
Khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, riêng phía Bắc mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5,0-7,0m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2, riêng khu vực Bắc và giữa Biển Đông cấp 3.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ sạt lở bờ biển tại các tuyến sung yếu.
Bích Thảo (T/h)