(ĐSPL) - Trong khi dư luận bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót trước những vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại nhiều trường tư thục cũng như các trung tâm bảo trợ của Nhà nước, thì dường như các cơ quan quản lý lại loay hoay với các chế tài xử phạt làm sao để đủ sức răn đe.
Trước những vụ bạo hành trẻ em xảy ra thời gian gần đây, đặc biệt là vụ bạo hành tại trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM), trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Trẻ bị nhiễm HIV/AIDS là những em nhỏ phải chịu nhiều thiệt thòi, thường phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu tình thương yêu của cha mẹ nên thường cảm thấy buồn tủi, chán nản, sống khép mình...
Vì vậy, các em cần được yêu thương bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, được điều trị mỗi khi ốm đau như mọi trẻ em khác, được bình đẳng, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không bị bạo lực, được tiếp tục cắp sách đến trường, được vui chơi cùng bạn bè... Những hành động kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS rất đáng lên án”.
Video: Bảo mẫu hành hạ trẻ HIV ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.
Về góc độ tâm lý, tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Qúy (cố vấn đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em, cục Chăm sóc Bảo vệ Trẻ em - bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Việc hành xử của các bảo mẫu trên có nguyên nhân trong quá trình đào tạo chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nhà giáo, trong đó có tình yêu trẻ của những bảo mẫu này ở trường sư phạm đã không đạt.
Nếu có thể, các em bị bạo hành nên được trò chuyện với các chuyên gia tâm lý để được nói, bày tỏ hết về nỗi sợ hãi lẫn sự tức giận của mình khi bị cô giáo hành hạ như vậy. Sau khi được bày tỏ hết sự sợ hãi của mình, điều cần thiết là em cần có điều kiện, môi trường chăm sóc, giáo dục tốt để sớm cải thiện tình hình”.
Bên cạnh đó, TS. Kim Quý, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em của chúng ta còn thiếu và chưa phù hợp. Luật mới chỉ quy định khung, chưa có quy định rõ ràng xử lý cụ thể đối với từng hành vi bạo lực, hành hạ, xâm hại trẻ em. Đây là lỗ hổng rất lớn trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Về những hệ quả sau này của vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em, bà Phạm Cao Phương Thảo, giáo viên, cố vấn Pháp luật tổ chức Cộng đồng Điếc Câm TP.HCM cho biết: “Bạo hành, ngược đãi trẻ em đã là điều mà đạo đức xã hội khó chấp nhận, là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, bạo hành, ngược đãi trẻ em, người khuyết tật, nhiễm HIV lại càng đáng lên án hơn, càng đáng lưu tâm hơn. So với các trẻ bình thường, các bé khuyết tật chịu những thiệt thòi vô cùng lớn”.
“Trên thực tế, các em đã vấp phải vô vàn khó khăn trong việc phát triển tâm lý theo đúng lứa tuổi, đạt được các mốc phát triển đúng. Các em cũng gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh bản thân nên các em thường có nhiều hành vi xung động, khó kiểm soát, không biết giới hạn, không tuân thủ các luật lệ”, bà Thảo cho biết thêm.
Bộ Y tế, bộ LĐ-TB&XH yêu cầu xử lý nghiêm vụ hành hạ trẻ HIV Trước thông tin về việc các bảo mẫu của trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân đánh trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS bằng tay, bằng dép... ngay trong bữa ăn, trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng bộ Y tế cho biết: “Bộ đã giao cục Phòng chống HIV/AIDS đề nghị cơ quan chức năng của TP.HCM kiểm tra ngay và xử lý nghiêm vụ hành hạ trẻ nhiễm HIV mà báo chí nêu”. Cũng liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại diện cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lãnh đạo Bộ vừa chỉ đạo cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em kiểm tra thông tin báo chí nêu và xử lý nghiêm. Đặc biệt, Cục sẽ kiểm tra chặt chẽ việc giám sát thực hiện việc chăm sóc trẻ tại trung tâm có đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu trung tâm giải trình minh bạch, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm gây bức xúc trong dư luận. |
H.NGUYỄN - N.LÀI - Đ.THƠM