Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bạo lực học đường và niềm trăn trở của những người làm giáo dục

(DS&PL) -

Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, xong những năm gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, có chiều hướng gia tăng trong các trường học và bộc lộ tính chất nghiêm trọng hơn.

Những số liệu biết nói

Tìm kiếm trên Google, chỉ trong 0,4 giây có tới 15,3 triệu kết quả cho cụm từ "bạo lực học đường". Kết quả này phần nào phản ánh được số lượng không nhỏ của các vụ bạo lực học đường trong những năm qua.

Chỉ trong 0,4 giây có tới 15,3 triệu kết quả cho cụm từ "bạo lực học đường" - Ảnh cắt ra từ Google.

Trong 15,4 triệu kết quả đó, những hình ảnh nữ sinh mặc áo dài trắng lao vào cấu xé, giật tóc nhau; những cảnh học sinh giữa nam lớp này và học sinh lớp kia đập bàn đập ghế, đánh nhau như những cảnh trong phim xã hội đen hay mới đây nhất là vụ một em học sinh xưng “mày tao” với giáo viên ở tỉnh Khánh Hòa hay vụ thầy giáo dùng thước, mũ bảo hiểm đánh hai học sinh ở Đắk Lắk… được đăng tải lên mạng xã hội đã làm đau nhói biết bao trái tim của những bậc phụ huynh và những con người đang trăn trở về tương lai của xã hội, của đất nước.

Mặt khác, theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT được đưa ra trong một cuộc hội thảo vào năm 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức thì trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày); khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì lý do này.

Các học sinh trong một vụ đánh nhau bị cơ quan công an xử lý

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên.

Bạo lực học đường không phải trách nhiệm của riêng ai

Chia sẻ về với PV Đời sống & Pháp luật, PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nhận định, vấn nạn bạo lực học đường không phải bây giờ mới xuất hiện, mặc dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng ở đâu đó vẫn thường xuyên diễn ra các vụ bạo lực học đường và mức độ, hậu quả của những vụ bạo lực về sau càng nghiêm trọng, gây nhức nhối trong nhà trường, gia đình và xã hội.

Nguyên nhân của những vụ bạo lực học đường có thể xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, hay nói xấu nhau trên mạng xã hội, thậm chí là từ sự kích động của bạn bè. Tuy nhiên, hậu quả của những vụ việc không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường mà đã có những án mạng thương tâm, gây xôn xao dư luận.

Hình ảnh hai nữ sinh đánh nhau (ảnh minh họa)

Đáng buồn hơn là có một số phụ huynh lại có quan điểm cho rằng: “Đưa con tới trường thì phụ huynh hết trách nhiệm, còn lại trách nhiệm thuộc quản lý nhà trường”, theo PGS.TS Lê Quý Đức đây chính là một quan niệm sai lầm của phụ huynh. Để giáo dục một con người thì phải xuất phát từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội; nó không thể tách rời nhau được.

 “Để con người có đạo đức thì không phải chỉ có giáo dục từ phía nhà trường mà cần phải được giáo dục từ chính gia đình – “cái nôi” đầu tiền để giáo dục nhân cách cho trẻ”, PGS.TS Lê Quý Đức nêu quan điểm

Trong khi đó, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng, lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang có sự thay đổi về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì nên thường có những hành vi bột phát, khó kiểm soát. Do đó, trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng cần có phương pháp khéo léo.

“Thông thường các vụ bạo lực xảy ra thì chúng ta thường quan tâm đến nạn nhân mà quên mất đi người bạo lực cũng cần được can thiệp vì họ là người gây ra. Họ là đối tượng chăm chữa chứ không phải cho nghỉ học mấy ngày hoặc cấm học. Không có ai nghỉ học mà tỉnh táo, nhận ra cái sai của mình”, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật.

Cũng theo bà Minh, câu chuyện bạo lực học đường không nên dừng lại ở truyền thông mà cần có những giải pháp khoa học, ví dụ chia ra hai nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm phòng ngừa (chưa diễn ra), nhóm thứ hai là nhóm giải quyết (diễn ra rồi cần giải quyết) để nắm rõ hành vi, tâm sinh lý học sinh để từ đó gỡ bỏ sớm những vướng mắc và hậu quả không đáng có.

Ở nhóm phòng ngừa, chúng ta cần phải có một hệ thống phòng ngừa, đầu tiên là cần xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc, đáng sống, đáng học. Ví dụ như đến trường thầy cô phải là những con người gương mẫu, đạo đức, giỏi giang thì học sinh nhìn vào mới thấy các giáo viên của mình là một người tử tế, để mà noi gương học tập. Nhà trường cần đưa ra những nội quy và quy chế đủ sức để các em không vi phạm.

Ở nhóm giải quyết, chúng ta nên cài những em có phẩm chất tốt để theo dõi hành vi nhóm các em có khả năng bạo lực, để khi có vấn đề gì xảy ra, các em đấy là người đầu tiên báo cho thầy cô và nhà trường để giải quyết.

Tách hai đối tượng bạo lực và bị bạo lực ra để có hướng giáo dục, hỗ trợ khác nhau. Các bạn học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông chưa đủ nhận thức hành vi của mình, ngay cả người lớn còn chưa nhận thức được thì nói gì là các em. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải có những biện pháp răn đe, xử lý vừa sức với các em, hướng tới phương pháp giáo dục, hướng về mặt chữa trị tâm lý nhiều hơn chứ không phải trừng phạt theo kiểu cho nghỉ học.

Về phía gia đình, khi phát hiện ra vấn đề con mình bạo lực hoặc bị bạo lực thì phụ huynh cũng phải tạo điều kiện cho con chữa trị về mặt tâm lý chứ không phải dùng bạo lực lại với con hoặc là chửi bới, xỉ vả ... nếu mà làm như vậy thì trẻ con sẽ lại càng tổn thương hơn và tăng nguy cơ bạo lực hơn.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn nạn bạo lực học đường cần có một phương pháp giáo dục mới, đủ tâm và đủ tầm ảnh hưởng tới học sinh. Giáo dục cũng có một vẻ đẹp riêng ở đó có hạt giống của lòng biết ơn, vẻ đẹp dịu dàng của sự khoan dung, vẻ đẹp tri thức để điều khiển hành vi, cảm xúc và đặc biệt dựa trên quy luật từ bao đời của cha ông: Thành tựu của giáo dục kết tinh từ những hy sinh lặng thầm và cốt cách người thầy, cộng hưởng với học trò và kết nối từ phụ huynh.

Nông Thảo Ly

Tin nổi bật