Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Báo chí chụp ảnh tại tòa có cần xin phép bị cáo hay không?

(DS&PL) -

Theo chuyên gia pháp lý, việc chụp hình, ghi hình bị cáo trong lúc tòa đang xét xử thì phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên nhà báo cũng phải chịu trách n

Theo chuyên gia pháp lý, việc chụp hình, ghi hình bị cáo trong lúc tòa đang xét xử thì phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên nhà báo cũng phải chịu trách nhiệm về bài viết, nội dung, hình ảnh nếu ảnh hưởng tới các bị cáo.

Tại phiên xét xử 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (nay là Ngân hàng Quốc Dân - NCB) ngày 2/3, một số luật sư đề nghị chủ tọa không cho phép báo chí tác nghiệp, để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh cho thân chủ của họ được Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định.

Trước đó, trong 2 ngày xét xử (28/2 và 1/3), khi các nhà báo, phóng viên tác nghiệp chụp hình bị cáo, các bị cáo đều phản ứng gay gắt, không cho phép chụp hình và nói rằng phải có sự đồng ý của họ mới được chụp. Dù các nhà báo giải thích rằng đã được sự cho phép của HĐXX nhưng một số bị cáo vẫn yêu cầu văn bản đồng ý của HĐXX và phải được chính bị cáo cho phép.

Liên quan đến vấn đề này, dư luận đặt vấn đề rằng, quyền hình ảnh cá nhân và quyền của báo chí. Đâu là ranh giới? Chụp ảnh bị cáo có phải xin phép bị cáo không?

Chụp ảnh bị cáo tại tòa có cần xin phép hay không? - Ảnh minh họa

Chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, văn phòng Luật FDVN Đà Nẵng nhận định, quyền của cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ để nhằm đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định cụ thể tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”

Đồng thời, theo nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Đồng thời, cũng theo quy định bị cáo chỉ bị hạn chế hoặc bị tước bỏ một số quyền dân sự như cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định... Không hề có quy định nào tước bỏ quyền về hình ảnh đối với cá nhân, cho dù họ đang là nghi can phạm tội. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh của bị cáo trước phiên tòa, hay tại thời điểm tòa đang xét xử cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

"Theo tôi, việc quy định bảo vệ quyền hình ảnh cho các bị cáo cũng là có lý do, bởi lẽ việc bị cáo bị truy tố xét xử hôm nay chưa hẳn bị cáo đã có tội. Nhưng các hình ảnh của bị cáo tại phiên tòa có thể được đăng lên trên các phương tiện truyền thông. Vậy khi bị cáo chứng minh không có tội, thì những hình ảnh đã được đăng lên ít nhiều cũng tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bị cáo. Do đó, bảo vệ quyền hình ảnh cho bị cáo cũng phù hợp với quy định của pháp luật" - chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt nói.

Chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, văn phòng Luật FDVN Đà Nẵng 

Chuyên gia Mai Quốc Việt cho biết thêm, tuy nhiên, đối với cơ quan báo chí thì lại có một vấn đề khác, bởi theo Luật Báo chí 2016 tại Điều 25 thì nhà báo “Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;”

Do đó, có thể thấy nhà báo có quyền được thực hiện nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai. Việc nhà báo đưa tin, hình ảnh về phiên tòa, hình ảnh của bị cáo thực chất là nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật.

Nhưng vấn đề đặt ra là lúc nào nhà báo được sử dụng hình ảnh cá nhân phải xin phép và lúc nào không xin phép.

"Theo tôi, khi sử dụng hình ảnh bị cáo ngoài phiên tòa thì nhà báo phải có sự đồng ý của bị cáo đó, bởi vì đây là quyền về hình ảnh của bị cáo. Nếu nhà báo chụp toàn bộ quang cảnh, hình ảnh không nhằm hướng đến một cá nhân nào khác, hình ảnh chỉ phục vụ cho việc đưa tin đưa bài, không ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân nào khác thì không cần phải có sự đồng ý của bị cáo.

Còn việc chụp hình, ghi hình bị cáo trong lúc tòa án đang xét xử, thì phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên nhà báo cũng phải chịu trách nhiệm về bài viết, nội dung, hình ảnh nếu ảnh hưởng tới các bị cáo" - chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Mai Quốc Việt, trong các phiên tòa hình sự ở Mỹ, Anh, truyền thông hay báo chí khi đưa tin phiên tòa, chúng ta sẽ không thấy được các bị cáo bằng hình ảnh chụp mà chỉ bằng các hình vẽ, đó cũng là một cách để bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân.

Trâm Anh

Tin nổi bật