Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Báo cáo Thủ tướng 3 phương án kiến trúc sân bay Long Thành

(DS&PL) -

Bộ Giao thông vận tải vừa thống nhất lựa chọn 3 trong tổng số 9 phương án kiến trúc nhà ga - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành để trình Chính phủ quyết định.

Bộ Giao thông vận tải vừa thống nhất lựa chọn 3 trong tổng số 9 phương án kiến trúc nhà ga - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành để trình Chính phủ quyết định. 

Theo báo Tri thức trực tuyến, sáng 14/2, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho biết, Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc Nhà ga hành khách - CHK quốc tế Long Thành đã triển khai đánh giá 9 phương án dự thi của các đơn vị tư vấn.

Các phương án trên do 16 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước thực hiện. Nhiều đơn vị đưa ra ý tưởng thiết kế sân bay hình ruộng bậc thang, hoa sen, cánh bướm… Sau quá trình đánh giá, hội đồng đã chọn được 3 phương án thiết kế.

Phó Tổng giám đốc ACV cho biết, đơn vị này đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi người dân với các phương án kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành qua cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, ACV cũng lấy ý kiến từ các hội nghề nghiệp như:  Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch đô thị, Tổng hội Xây dựng, Hội Khoa học kỹ thuật hàng không; lấy ý kiến 4 địa phương gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí minh và Đồng Nai.

Phương án thiết kế 7 lấy ý tưởng từ hình ảnh lá cọ, dừa nước áp dụng vào thiết kế phần mái công trình - Ảnh: báo Dân trí

Báo Dân Trí cũng thông tin, theo đó, các phương án 3,4,7 được cả người dân và các hội nghề nghiệp lựa chọn. 

Phương án 3 - Lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục. Thiết kế cũng được điểm thêm những vị trí ô lấy sáng, giảm bớt sự đơn điệu cho mái. Phần mái khu vực nhà để xe ngoài trời sẽ làm công viên cây xanh, cộng hưởng với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm cũng lấy ý tưởng hoa sen sẽ tạo điểm nhấn cho khu vực này.

Phương án 4 - Sử dụng vật liệu từ cây tre thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến,…). Không gian nội thất nhà ga cũng sử dụng thủ pháp đan kết để thể hiện đặc thù văn hóa địa phương.

Phương án 7 - Lấy ý tưởng từ hình ảnh lá cọ, dừa nước áp dụng vào thiết kế phần mái công trình. Bố cục không gian khu vực nhà ga đi được thể hiện ý tưởng như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam. Phương án thiết kế lệch tầng để phân chia các khu vực chức năng nhằm tạo không gian sinh động cho nhà ga kết hợp việc ử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định, Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc Nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành đã xếp hạng các phương án dự thi. Cả 3 phương án mà Hội đồng lựa chọn là phương án 3, 4 và 7 đều đồng nhất với các phương án mà cộng đồng dân cư và Hội nghề nghiệp lựa chọn.

Theo lãnh đạo Bộ này, 3 phương án kiến trúc được lựa chọn nhiều nhất sẽ được trình Chính phủ đánh giá và quyết định sử dụng phương án kiến trúc nào. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, thư ký Hội đồng rà soát, phân tích kỹ càng và chắt lọc từng ý kiến về các phương án được chọn để hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Điều 3 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP Nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị:

1. Bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng.

3. Bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

4. Tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hoà với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

5. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật