(ĐSPL) - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ bắt giữ con tin tại quán cà phê Holey Artisan Bakery ở Thủ đô Dhaka của Bangladesh vào ngày 1/7 (theo giờ địa phương).
Ngày 2/7, lực lượng cảnh sát Bangladesh thông báo, chiến dịch giải cứu con tin đã kết thúc sau khi 6 tay súng khủng bố bị giết chết và 13 con tin được giải thoát. Vụ việc này là diễn biến mới nhất trong số hàng chục vụ giết người có liên quan tới IS và AlQaeda ở Bangladesh trong thời gian qua.
Theo Reuters, Hãng tin Amaq thông tin, ngày 2/7 IS đã đăng tải những bức ảnh mà chúng thừa nhận sát hại những người nước ngoài trong một vụ tấn công một quán cà phê ở Dhaka, Bangladesh.
Vệ binh Bangladesh tập trung gần quán cà phê Gulshan, thủ đô Dhaka đang bị các tay súng chiếm giữ. - Ảnh: Reuters. |
Hầu hết các nạn nhân bị chém chết và những hung thủ đã gửi hình của vụ giết hại này cho IS trong thời gian xảy ra vụ đối đầu. Vụ tấn công bắt đầu tối thứ Sáu, khi có đến 10 tay súng tiến vào tiệm Holey Artisan Bakery trong khu ngoại giao ở Dhaka, nơi có nhiều người nước ngoài đang dùng bữa.
Các tay súng nhanh chóng bắt giữ khoảng 20 thực khách và 20 nhân viên của nhà hàng làm con tin. Sau hơn 10 giờ thương thuyết bất thành, sáng 2/7, lực lượng đặc nhiệm Bangladesh đã quyết định ập vào bên trong tòa nhà, bắt đầu cho vụ đấu súng dữ dội giữa hai bên.
Cuộc đối đầu giữa các tay súng vũ trang với quân đội Bangladesh kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ. Ngày 2/7, lực lượng cảnh sát Bangladesh thông báo, chiến dịch giải cứu con tin đã kết thúc sau khi 6 tay súng khủng bố bị giết chết và 13 con tin được giải thoát.
Tuy nhiên, đã có ít nhất 20 con tin, trong đó có một số người nước ngoài, đã bị IS giết chết bằng vũ khí sắc nhọn. 7 tay súng khác của IS đã bị bắt giữ. Truyền thông trích lời các nhân chứng nói, khi xảy ra vụ tấn công, họ đã nghe thấy những tiếng hô “Allahu Akbar”, có nghĩa là “Thánh Allah vĩ đại”.
“Đây là một hành động tàn ác. Có người Hồi giáo nào có thể làm như vậy? Đây là những kẻ vô thần. Chính phủ chúng tôi sẽ quyết tâm loại trừ khủng bố và tấn công vũ trang tại Bangladesh”, Thủ tướng Bangladesh bà Sheikh Hasina nói trong một phát biểu trên truyền hình. Thủ tướng Italia Matteo Renzi hôm 2/7 xác nhận, công dân Ý nằm trong số các nạn nhân, nhưng không cho biết chi tiết hoặc số người gặp nạn, cho tới khi gia đình của họ được thông báo.
Chính quyền Nhật Bản cũng xác nhận, 7 công dân nước này đã thiệt mạng. Nhà Trắng và bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, một công dân Mỹ thiệt mạng, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể danh tính của nạn nhân.
Theo nguồn tin từ tờ Daily Star, những kẻ tấn công khủng bố đã “xuống tay” với bất kỳ con tin nào không đọc kinh Koran theo yêu cầu của chúng. Trước đó, nhóm khủng bố này cho biết, chúng đã chém chết một người theo đạo Phật và một người làm việc tại ngôi đền của người Hindu, tin tức từ SITE, một tổ chức của Mỹ theo dõi hoạt động của những kẻ cực đoan trên mạng.
Vụ việc ngày 2/7 là diễn biến mới nhất trong số hàng chục vụ giết người có liên quan tới IS và Al-Qaeda ở Bangladesh. Những kẻ khủng bố thường dùng dao đâm, chém hoặc dùng súng bắn vào những nạn nhân, thường là những nhà văn, nhà báo, các nhà hoạt động xã hội, người nước ngoài và những người theo đạo thiểu số ở trong cộng đồng người đạo Hồi.
Salma Muktadir, một biên tập viên 34 tuổi đang sống tại Dhaka tiết lộ, vụ tấn công ngày 1/7 là đỉnh điểm của sự gia tăng bạo lực liên quan tới người Hồi giáo ở đất nước Nam Á này. “Những kẻ có tư tưởng cực đoan thường có xu hướng tấn công những blogger, những người lao động trí óc và những người theo đạo Hindu hoặc Cơ-đốc giáo”, cô Salma nói.
Trong suốt 18 tháng qua, tại đây đã xảy ra 48 vụ giết người có liên quan tới lực lượng Hồi giáo và IS đứng ra nhận trách nhiệm hơn một nửa trong số đó, SITE cho biết. Trong khi đó, Al-Qaeda thừa nhận đã thực hiện đa số vụ còn lại.
Tháng trước, IS cũng thừa nhận đã giết chết một thầy tu theo đạo Hindu, một người làm việc trong tu viện Hindu và một người bán tạp hóa theo đạo Cơ-đốc. Hầu hết, IS nhắm vào các blogger, những người vô thần và những tín đồ của các tôn giáo thiểu số.
Nhóm Al-Qaeda ở tiểu lục địa Ấn Độ AQIS, đã nhận trách nhiệm đối với nhiều vụ trong những vụ tấn công đó. Mỹ đã tuyên bố: AQIS là “một tổ chức khủng bố nước ngoài” và Asim Umar, thủ lĩnh của nhóm này, là một phần tử khủng bố toàn cầu.
Hồi tháng 4/2016, nhóm Ansar-Al, một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã giết hại Tanay Majumder và Xulhaz Mannan, một nhân viên Chính phủ của Mỹ và biên tập viên cho tạp chí của những người đồng tính.
Nhóm này cho biết, chúng giết hại 2 nạn nhân này bởi họ là những “kẻ truyền bá và xúi giục người khác thực hiện hành vi quan hệ tình dục đồng giới ở Bangladesh”. “Thật kinh khủng, không có ai bị kết tội sau những vụ tấn công khủng khiếp này.
Cũng chẳng có sự bảo vệ nào cho những người dân”, Champa Patel, Giám đốc Ủy ban Ân xá Quốc tế khu vực Nam Á nói. “Chính quyền Bangladesh phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ và tôn trọng quyền được sống của công dân. Họ phải nhanh chóng tập trung lực lượng vào việc bảo vệ những người đang thể hiện quan điểm một cách dũng cảm và mang những kẻ giết người ra trước luật pháp”.
Trong khi đó, Chính phủ Bangladesh khăng khăng cho rằng, IS và Al-Qaeda không xuất hiện ở Bangladesh, mà đó là những phiến quân và những kẻ bị phe chính trị đối lập Hồi giáo xúi giục. Tháng trước, Văn phòng Thủ tướng Sheikh Hasina đã khởi động chiến dịch đàn áp vấn nạn này trên toàn Bangladesh, bắt giữ hàng ngàn người khi những vụ tấn công bạo lực ngày càng gia tăng.
“Ngay lúc này, có một nỗi sợ hãi đang bao trùm Dhaka. Người ta sợ hãi về tương lai. Cuộc tấn công xảy ra ở khu vực an ninh cao khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ về năng lực của chính phủ hiện tại”, một người dân Bangladesh lo lắng
DANH TUYÊN (theo Reuters, USA today)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]DmswNm8fjN[/mecloud]